Lẹo mắt hình thành do tuyến dầu mi mắt bị tắc và nhiễm trùng. Dù trong nhiều trường hợp, mụt lẹo không hề lây nhiễm nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo là cần rửa tay thường xuyên để ngăn vi khuẩn lây lan khi người bệnh đưa tay lên mắt rồi chạm vào các vật dụng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Vì gây cảm giác khó chịu nên người bị lẹo mắt thường muốn khỏi bệnh càng sớm càng tốt, nhất là khi tình trạng này có thể kéo dài đến 2 tuần.
Khi có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ kiểm tra. Điều này cũng đúng với bệnh mắt lẹo. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục bằng một số biện pháp tại nhà.
Để lẹo mắt mau khỏi, một trong những phương pháp có hiệu quả nhất là chườm ấm. Người bệnh có thể chườm ấm bằng một chiếc khăn vắt khô sau khi thấm nước ấm hay túi chườm có nước ấm bên trong.
Tuy nhiên, điều cần làm trước khi chườm ấm là phải rửa tay thật sạch và vệ sinh bụi bẩn, ghèn ở mắt bị lẹo. Thời gian chườm ấm tối thiểu là 10 phút. Sau khi chườm, hãy dùng ngón tay xoa nhẹ mụt lẹo theo chuyển động tròn. Điều này sẽ giúp tuyến dầu được xoa bóp và giảm đau.
Dù chườm ấm được xem là giải pháp tốt nhất để trị mụt lẹo tại nhà nhưng để có hiệu quả cần thực hiện 2 - 4 lần/ngày, liên tục trong vài ngày. Nếu không, mụt lẹo sẽ tiếp tục gây đau và viêm trở lại.
Trong trường hợp đã chườm ấm thường xuyên trong 2 ngày mà triệu chứng không thuyên giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra, đặc biệt là khi tình trạng viêm bắt đầu lan ra những vùng khác quanh mi mắt. Bác sĩ sẽ kê thuốc mỡ kháng sinh để bôi lên mụt lẹo trong khoảng 10 ngày.
Tuy nhiên, nếu thuốc bôi không hiệu quả và mụt lẹo bắt đầu ảnh hưởng đến thị lực thì bác sĩ sẽ tìm cách hút mủ ra khỏi mụt lẹo. Thủ thuật này cần được thực hiện bởi một bác sĩ nhãn khoa.
Một điều người bệnh tuyệt đối không được làm là tự nặn mụt lẹo. Hành động này có thể gây thêm tổn thương cho mi mắt và khiến nhiễm trùng lan rộng hơn, theo Healthline.
Bình luận (0)