Bị mạo danh trên mạng xã hội, phải làm gì?

Thanh Nam
Thanh Nam
29/10/2022 14:45 GMT+7

Không ít người trẻ hoang mang khi bị mạo danh trên mạng xã hội . Họ cảm thấy bế tắc và không biết phải làm gì trong trường hợp này.

Việc bị mạo danh trên mạng xã hội rất phổ biến. Nhiều người trẻ "khóc thét" khi phát hiện những tài khoản Facebook được lập ra sử dụng hình ảnh, tên tuổi của bản thân

CHỤP MÀN HÌNH

Muôn kiểu mạo danh

Phan Quế Chi (26 tuổi, ở TP.HCM), người từng được gọi là “nữ tiếp viên hàng không vạn người mê” ta thán việc bị nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang “mượn danh”, “chôm” hình ảnh để đăng tải lên các fanpage. Giờ đây, mỗi khi đăng tải hình ảnh lên Facebook, Chi thường kèm theo dòng chữ: “Trân trọng đề nghị các nhãn hàng không sử dụng hình ảnh của tôi nữa”.

Trường hợp của Chi không ngoại lệ, bởi câu chuyện mạo danh trên mạng xã hội đã và đang là câu chuyện không của riêng ai. Dù không phải là người nổi tiếng, nhưng nhiều người trẻ vẫn trở thành nạn nhân của thực trạng mạo danh trên mạng xã hội. Như Nguyễn Đại Hưng (29 tuổi, ở đường Tô Vĩnh Diện, TP.Pleiku, Gia Lai) cũng than thở khi bất ngờ được bạn bè hỏi: “Đã chuyển sang làm người mẫu ảnh hả?”. Hóa ra, nhiều hình ảnh Hưng cập nhật trên Facebook cá nhân đã bị người khác sử dụng vào mục đích quảng cáo cho một thương hiệu mũ lưỡi trai nam ở Hà Nội.

Hay như Phan Thị Mỹ Dung (26 tuổi, ở đường Lý Tử Tấn, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng “té ngửa” khi “không biết ai đó” đã lấy nhiều hình ảnh để quảng cáo cho một thương hiệu đồ lót.

Khổ nỗi, những người trẻ này khi phát hiện hình ảnh bản thân bị sử dụng trái phép đã liên hệ đến các fanpage đề nghị gỡ bỏ hình ảnh thì đều bị... chửi té tát, thậm chí bị thách thức. Để rồi như Hưng nói: “Họ đã làm sai mà còn lớn tiếng cho rằng họ thích thì họ đăng, họ thấy hình ảnh đẹp nên họ đăng, và họ không gỡ, họ còn thách tôi muốn kiện thì cứ kiện. Tôi bó tay, không biết phải làm gì”.

Có thể nói, việc bị mạo danh trên mạng xã hội “muôn hình vạn trạng”. Nếu như Chi, Hưng, Dung bị các fanpage “mượn danh” để phục vụ cho mục đích câu kéo khách hàng, thì cũng có những trường hợp người trẻ tá hỏa khi bỗng dưng được... “phân thân”.

Lê Thanh Cao Minh (32 tuổi, kiến trúc sư cho một công ty thiết kế nội thất trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể: “Tôi chỉ sử dụng duy nhất một tài khoản Facebook. Vậy mà sau đó tôi phát hiện thêm nhiều tài khoản Facebook cùng tên tôi, ảnh đại diện là của tôi”. Chàng trai này cũng nói việc những tài khoản Facebook “giống y chang” kia đã từng manh nha nhắn tin cho bạn bè Minh, sau đó đề cập đến việc mượn tiền, nhờ nạp thẻ cào điện thoại... và đã có vài người “dính chưởng”.

Minh than thở: “Dù rất nhiều lần gửi báo cáo cho Facebook vì sự mạo danh của những tài khoản kia, tuy nhiên tài khoản này bị xử lý thì tài khoản khác, là “bản sao” của tôi lại được tạo ra. Tôi không biết phải giải quyết trường hợp này như thế nào”.

Cát Tường bức xúc khi bị kẻ xấu giả mạo tài khoản để lừa đảo

Một biến tướng khác của thực trạng bị mạo danh trên mạng xã hội, đó là nhiều người trẻ cảm thấy điêu đứng khi bị người khác lấy hình ảnh, tên tuổi để tạo ra những tài khoản Zalo, Instagram, Twitter... nhằm quảng cáo những dịch vụ nhạy cảm, tham gia những hội nhóm đồi trụy.

Mạo danh trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật

ảnh minh họa: AFP

Phải làm gì?

Luật sư Đỗ Tuấn Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết vấn nạn mạo danh trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Để rồi nhiều người “khóc dở, mếu dở” vì bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín, danh dự.

“Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rõ, là “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Ngoài ra, Điều 12 Luật Công Nghệ Thông Tin cũng nghiêm cấm hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác”. Hay trong Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ cũng nghiêm cấm hành vi “giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Thế nên việc mạo danh trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Sơn nói.

Theo vị luật sư này, khi phát hiện bị mạo danh trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng, hãy công bố thông tin trên tài khoản chính thức để bạn bè biết nhằm tránh những rủi ro, thiệt hại. Bên cạnh đó, cần liên hệ yêu cầu những người đang mạo danh phải chấm dứt hành vi. Cũng đừng quên báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ, yêu cầu xóa bỏ tài khoản giả mạo.

Luật sư Sơn nói thêm: “Nếu những người đang mạo danh không chấm dứt hành vi, hãy lưu lại bằng chứng bằng cách quay hình, chụp ảnh. Đồng thời nhờ tổ chức thừa phát lại lập vi bằng. Sau đó có thể tố cáo, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Người có hành vi mạo danh người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.