Vì sao cứ mơ tưởng đến "người yêu nhà người ta"?

25/10/2022 08:00 GMT+7

Nếu các bậc phụ huynh hay so sánh con mình với con nhà người ta thì người trẻ lại có thói quen so sánh người yêu mình với người yêu của người khác , mở miệng ra là người yêu nhà người ta thế này, thế kia...


Có nên so sánh người yêu của mình với "người yêu nhà người ta" không?

NGÔ QUANG THƯ

Đặt người yêu lên "bàn cân" để được cái gì?

Phát ngán vì bạn gái cứ thỉnh thoảng lại ca bài ca người yêu bạn em thế này, bạn trai chị họ em thế kia… đó là trường hợp H.V.T, sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

V.T kể: “Trong tình yêu, mình không thích bị so sánh với một người khác, bản thân mình khá tâm lý và biết cách chiều chuộng người yêu nhưng cô ấy lại có những so sánh vô lý khiến mình phát bực. Cụ thể, hôm 20.10 vừa rồi, mình tặng cô ấy một bó hoa hồng thì cô ấy nhảy cẫng lên bảo chị gái em mới được tặng cả bó hoa bằng tiền. Mình đang là SV, còn chưa ra trường mà bạn gái suốt ngày cứ so sánh mình với các anh 8X, 9X đã đi làm, mình thật sự không hiểu làm vậy để được cái gì”.

Câu chuyện của V.T chỉ là một trong số ít những trường hợp bị mang lên “bàn cân” so sánh với người này người nọ. Liệu việc so sánh đó có ích lợi gì trong một mối quan hệ? Nhiều người trẻ bày tỏ quan điểm, trong tình yêu đừng mang người mình yêu ra so sánh với bất kỳ ai, việc so sánh nửa kia với người khác là thiếu khách quan và không có lợi ích gì cho mối quan hệ của bạn cả.

Võ Thị Mỹ Diệu, SV năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mặc dù quen nhau 2 năm nhưng chưa lần nào mình người yêu ra so sánh với người khác. Lòng tự trọng của con trai rất cao nên họ ghét bản thân bị mang ra so sánh với ai đó. Mình nghĩ, tự thân họ nhận ra và biết cần phải làm gì, phải cố gắng như thế nào. Vì vậy, với người yêu, thay vì so sánh thì mình sẽ động viên, khi nào đối phương thật sự cần lời khuyên thì lúc đó mình mới đưa ra ý kiến”.

Trong tình yêu, nếu muốn hạnh phúc thì đừng so sánh người mình yêu với bất cứ ai

NGÔ QUANG THƯ

Có nhiều người cho rằng việc so sánh như vậy sẽ tạo động lực để người yêu cố gắng hơn, nhưng điều đó có đúng như vậy? Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Ngô Quang Thư (22 tuổi), nhiếp ảnh gia tại Hera - Studio, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) nói: “Tôi nghĩ là không nên so sánh người yêu của mình với người khác, việc so sánh như vậy dễ tạo áp lực hơn là động lực. Vả lại, trên đời này không có ai là hoàn hảo, mỗi người đều có điểm tốt và điểm không tốt nên không thể đòi hỏi mọi người đều giống nhau được, thay vì so sánh mình nghĩ những lời động viên thì có hiệu quả và cần thiết hơn”.

Đồng tình với quan điểm đó, Nguyễn Đình Thái Bảo, du học sinh của Trường ĐH Nantes (Pháp) cho hay: “Nói thật, trong một mối quan hệ mà đem nhau ra so sánh như thế thì đừng nên tiếp tục nữa. Đã yêu nhau là phải biết chấp nhận những cái chưa tốt của nhau, góp ý với nhau để tốt hơn chứ đừng so sánh với một ai khác. Trong tình yêu, nếu so sánh là đã hết yêu rồi”.

Nói về vấn đề người trẻ hay có thói quen so sánh người mình yêu với “người yêu nhà người ta”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa tâm lý - vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết: “Tính lựa chọn của tri giác thường định hướng chúng ta “thấy những gì mình muốn thấy”. Hơn thế nữa, chúng ta đang chịu sự ảnh hưởng của các mạng xã hội, mà ở đó người ta chỉ mong muốn khoe những điều tốt đẹp nhất trong mối quan hệ của mình. Mặt khác, một số bạn trẻ với đặc điểm cầu toàn nên hay đặt ra những kỳ vọng thiếu thực tế, mong đợi đối phương của mình hội tụ những điểm tốt nhất, trong khi thực tế không cá nhân nào hoàn hảo cả”.

Đừng biến tình yêu thành phép đánh giá hay so sánh

Tình yêu vốn dĩ không phải là sự lựa chọn mà nó xuất phát từ sự rung động của cả 2 con tim. Vì vậy, nếu yêu nhau thì đừng làm tổn thương nhau, đừng đặt người mình yêu lên “bàn cân” để so sánh hay đánh giá.

Anh Hồ Thanh Thảo (30 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế HT và cộng sự, Gò Vấp (TP.HCM) cho rằng: “Theo tôi thì bản chất con người là luôn đi tìm cái mới để thỏa mãn cái tâm ham thích của họ. Nhưng nếu tình yêu mà để cái tâm ham thích đó dẫn dắt thì đó không còn là một tình yêu đúng nghĩa nữa. Nếu yêu thương nhau thật lòng thì tìm cách để giúp đỡ, chia sẻ và cùng gánh vác, còn nếu nói việc so sánh để người ta làm động lực phát triển chỉ là sự ngụy biện mà thôi”.

Cùng suy nghĩ ấy, Hoàng Ngọc Nam, SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ: “Dù người yêu của bạn chưa thật sự hoàn hảo, nhưng họ vẫn có những ưu điểm, cá tính riêng chứ đừng bắt họ phải giống người này, người kia. Người ở bên cạnh bạn mới chính là người cùng bạn xây dựng tương lai chứ không phải ai khác. Trong tình yêu cần sự hiểu, đồng cảm và tôn trọng những ưu khuyết của nhau”.

Thay vì so sánh, hãy góp ý chân thành và tinh tế

NGÔ QUANG THƯ

Vậy trong một mối quan hệ, làm thế nào để bản thân mỗi người biết trân trọng và vun đắp cho hạnh phúc thay vì luôn so sánh, mơ tưởng đến “người yêu nhà người ta”?

Đừng kỳ vọng thiếu thực tế

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên nói: “Vấn đề để dẫn đến sự so sánh xuất phát từ những kỳ vọng thiếu thực tế. Hãy chấp nhận những điều thuộc về đặc điểm, giới hạn của đối phương. Chúng ta yêu thương và muốn cùng nhau phát triển nhưng cách thể hiện yêu thương lại quyết định chúng ta có trân trọng nhau không. Thay vì nói rằng “sao anh/em không được như người ta”, bạn có thể chuyển sự so sánh đó thành một góp ý chân thành “anh/em có thể thử…”. Ngoài ra, cần nhìn nhận vào những điểm tốt của nhau để cảm thấy hạnh phúc và hài lòng trong mối quan hệ hiện tại. Đó là bạn có thể có những cuộc trò chuyện ghi nhận nhau: một giờ đồng hồ nói chuyện với nhau bắt đầu bằng chữ “anh/em cảm ơn vì…”, hoặc thử thách 30 ngày biết ơn nhau”.

Thạc sĩ Uyên cũng đưa ra lời khuyên: “Thực tế, so sánh chẳng qua là một cách diễn đạt khác của việc bộc lộ nhu cầu, nhưng so sánh thường làm tổn thương người khác, trong khi đó việc chia sẻ mong đợi lại giúp người kia dễ hiểu mà không gây khó chịu".

Vậy thì ở đây, theo thạc sĩ Uyên, thay vì chờ người khác hiểu ý ngầm, chúng ta cần tập nói ra trực tiếp điều mình mong muốn, bộc lộ nhu cầu của bản thân. Đối với những điều bạn mong người yêu mình thay đổi để phát triển, đừng gọi tên đó là một khuyết điểm, mà hãy xem nó như một điều cần cải thiện, để người yêu mình tìm giải pháp thay đổi. Muốn tận hưởng được kết quả, phải cùng tham gia vào quá trình phấn đấu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.