Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ chọn làm "cú đêm"?

18/10/2022 13:00 GMT+7

Làm việc vào ban đêm đã dần trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ . Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ chọn làm "cú đêm"?

Người trẻ làm "cú đêm" tại các quán cà phê

THẢO PHƯƠNG

“Ước gì một ngày có hơn 24 tiếng”

“Cú đêm” là danh từ dùng để chỉ người có xu hướng thức khuya đến tận đêm muộn hoặc thậm chí là trắng đêm. Hiện nay, không ít người trẻ bị quay cuồng trong đống công việc và học tập quá nhiều. Điều này khiến cho thời gian vào ban ngày không đủ để họ giải quyết hết mọi việc, đó là lý do vì sao càng ngày càng nhiều người trẻ trở thành… “cú đêm”.

Nguyễn Bảo Vĩnh Hưng, 19 tuổi, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, là nhân viên trực ca đêm tại quán cà phê SIX (gần ký túc xá khu B, P.Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Khách hàng qua đêm tại quán chủ yếu là sinh viên, người trẻ, các bạn thường tới đây để học bài và làm việc. Tùy vào thời điểm mà số lượng khách qua đêm khác nhau, vào mùa thi thì khoảng 80 đến hơn 100 người, còn những ngày bình thường thì 50 đến 60 người”.

"Cú đêm' ở các quán cà phê chủ yếu là sinh viên

THẢO PHƯƠNG

Một trong số những “cú đêm” có mặt tại quán là Bích Phượng, SV năm 3, Ngành ngôn ngữ Italia, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. PV Thanh Niên gặp Phượng lúc 1 giờ sáng khi cô nàng đang dán mắt vào màn hình máy tính, Phượng kể: “Mình rất hay thức khuya, bình thường ở phòng mình thức tới 2,3 giờ sáng, nhưng hôm nay bài tập nhiều, cần phải thức nguyên đêm làm cho kịp nên mình ra quán cà phê ngồi để không làm phiền các bạn trong phòng".

Chia sẻ về lý do trở thành "cú đêm", Phượng nói: "Do số lượng công việc, bài tập cần giải quyết trong một ngày quá nhiều mà ban ngày mình phải đi học ở trường, chỉ có buổi tối mới rảnh để làm bài. Mình ước gì một ngày có hơn 24 tiếng đồng hồ để có thể làm hết tất cả các công việc. Vì phải thức khuya làm bài nên sáng dậy đi học mình không được tỉnh táo, nhưng không còn cách nào khác vì ngoài ban đêm ra mình không còn thời gian nào để làm việc nữa”.

Ngồi bàn kế bên Phượng là Lê Hoàng Long, sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ban ngày mình bận đi làm, ban đêm chạy deadline (hạn cuối nộp bài): “Hai tháng trở lại đây, hầu như ngày nào mình cũng thức tới sáng vì phải làm luận văn tốt nghiệp. Mình phải làm vào ban đêm vì ban ngày mình bận đi làm".

Nam sinh viên còn cho biết thêm, làm việc vào ban đêm sẽ giúp bạn tập trung hơn vì ban ngày có nhiều việc phải làm, phải suy nghĩ nên dễ bị phân tâm. “Nếu chỉ làm việc vào ban ngày thôi thì không đủ, bản thân mình cũng muốn làm việc vào ban đêm vì lúc nào cũng trong tâm thế cố gắng làm cho xong nên năng suất cao hơn", Long nói.

Hai tháng nay Lê Hoàng Long thâu đêm ở quán cà phê để làm việc

THẢO PHƯƠNG

Ngoài lý do thời gian ban ngày không đủ để giải quyết công việc, nhiều bạn trẻ còn trở thành "cú đêm" bất đắc dĩ vì đặc thù ngành học và công việc. Là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, Bùi Quốc Khánh có thói quen làm việc và học bài từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng hôm sau.

Khánh cho biết, thói quen này hình thành từ khi lên đại học: “Do ngành học của mình yêu cầu tính tự học cao vì vậy đa phần mình tự mày mò, tìm hiểu kiến thức ở nhà là chính. Cho nên, ban đêm là khoảng thời gian yên tĩnh, giúp mình tập trung hơn và tiếp thu kiến thức nhanh hơn”.

Tương tự, Võ Văn Hiếu, 21 tuổi, ngụ đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hoà Minh, Q.Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), đang làm công việc liên quan đến dịch vụ Facebook, cho hay: “Do tính chất công việc của mình phải làm việc trên máy tính, mà ban ngày thì có rất nhiều thứ diễn ra xung quanh nên khó để tập trung vào công việc. Vì vậy, mình thường làm việc vào ban đêm từ 21 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau, đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất, tránh được những phiền nhiễu xung quanh”.

“Cú đêm” làm việc năng suất gấp đôi?

Với nhiều bạn trẻ, khi làm việc, học tập vào ban đêm sẽ cho hiệu quả công việc cao hơn. Trần Ngọc Quang, 23 tuổi, ngụ phường Tân Định, Q.1, là nhân viên lập trình web tại Công ty Fintech, cho biết: “Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một khoảng thời gian mà mình có thể sáng tạo và học tập hiệu quả nhất, đối với tôi là từ 22 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Dù biết thức khuya sẽ không tốt nhưng khi đêm đến, không gian yên tĩnh sẽ giúp bộ não của mình hoạt động hiệu quả nhất. Khi làm việc vào ban đêm, hiệu quả sẽ đạt gấp rưỡi đến gấp đôi so với buổi sáng. Vì vậy, mình rất ít khi đi ngủ sớm, trừ những lý do đặc biệt như bị bệnh”.

Nhiều bạn trẻ cho rằng làm việc vào ban đêm hiệu quả hơn so với ban ngày

THẢO PHƯƠNG

Không gian yên tĩnh ban đêm cũng là lý do giúp Huỳnh Quách Bảo Tín, sinh viên năm 4 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đạt hiệu quả làm việc cao hơn với công việc kinh doanh hộp đèn của mình: “Khi làm việc vào buổi sáng mình thường xảy ra sai sót vì ít tập trung hơn. Do vậy mình thường xuyên làm việc từ 7 giờ tối cho tới khi bản thân cảm thấy thật sự mệt mỏi. Mình thích không gian tối và sự yên tĩnh, lúc này hầu như độ tập trung, khả năng giải quyết vấn đề của bản thân mình sẽ đạt đến mức tối ưu”.

Không gian yên tĩnh ban đêm giúp Huỳnh Quách Bảo Tín tập trung làm việc hiệu quả hơn

THẢO PHƯƠNG

Còn với Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên năm 2 khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đang làm thêm công việc viết content (nội dung) thì đêm đến là lúc cô nàng nghĩ ra được nhiều ý tưởng nhất: “Khoảng thời gian về đêm là lúc mà mình nảy ra nhiều ý tưởng nhất, vì lúc đó yên tĩnh giúp mình dễ tập trung và suy nghĩ được nhiều hơn. Hầu như tất cả ý tưởng của mình đều được suy nghĩ trong đêm khuya”.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả làm việc cao thì việc làm “cú đêm” cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Hiếu, cho biết: “Việc thức khuya suốt một thời gian dài làm cho người mình luôn trong trạng thái lờ đờ, thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi và dễ thấy nhất là mặt mình nổi rất nhiều mụn. Hơn nữa, do ngủ không đủ giấc nên ban ngày mình luôn trong trạng thái ‘ngủ gà, ngủ gật’ dẫn đến mất tập trung”.

Những tác hại khôn lường

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Quang, khoa khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhìn nhận: “nhiều người có thói quen làm việc ban đêm vì họ cho rằng dễ có sự tập trung, yên tĩnh, tạo được hiệu quả công việc cao... Nhưng dưới góc độ y tế, tôi thấy là lợi bất cấp hại. Lợi, có thể do góc nhìn chủ quan của những người có thói quen này. Còn hại là dựa vào nhiều nghiên cứu. Theo đó, người thức khuya dễ bị rối loạn cảm giác, thiếu máu não, tăng nguy cơ bị tiểu đường, mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, cũng như có khả năng vô sinh cao hơn, giảm ham muốn tình dục. Phụ nữ làm việc khuya thâu đêm suốt sáng có thể bị chậm trễ thời kỳ kinh nguyệt...”.

Bác sĩ Quang cũng chỉ ra người làm việc ban đêm còn có thói quen lạm dụng cà phê, thuốc lá, càng làm nguy hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đồng hồ sinh học. Việc kéo dài thói quen này sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Vì thế phải có lịch trình, thời gian biểu làm việc khoa học...

“Thói quen nào cũng có thể thay đổi, chỉ là bản thân họ có muốn hay không. Có thể cố gắng nỗ lực hoàn thành công việc trong ngày, phải biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học và hợp lý. Đừng lên công ty chém gió bàn chuyện mà lơ là công việc. Hạn chế thời gian bù khú với bạn bè để lo cho công việc, khi đó sẽ hoàn thành công việc được giao và được ngủ đủ giấc”, bác sĩ Quang khuyên.

Nếu bắt buộc làm việc vào ban đêm, như công nhân hoặc những đặc thù công việc khác, thì bác sĩ Quang cho rằng nên ngủ bù lấy lại sức, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nạp lại năng lượng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây... Trong quá trình làm việc ban đêm cũng nên vận động đi lại.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đêm là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng sau một ngày dài. Thế nhưng, nhiều người trẻ bị cuốn vào guồng quay của công việc mà bỏ quên bản thân, tự bào mòn sức khỏe của mình.

"Theo tôi, muốn thay đổi một thói quen, trước hết phải thay đổi nhận thức. Các bạn phải hiểu rằng công việc chỉ là công cụ để chúng ta kiếm sống, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Sau đó, phải thay đổi giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ. Để thay đổi một thói quen thật sự rất khó nhưng không phải không thể. Chỉ cần đủ quyết tâm và đủ kiên nhẫn”, thạc sĩ Đặng Hoàng An khuyên bạn trẻ cách để thay đổi thói quen "cú đêm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.