Bí mật chuông cổ nhà thờ Đức Bà

05/07/2015 08:36 GMT+7

Bộ chuông cổ được lắp đặt bên trong hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà, tọa lạc trên khuôn viên tuyệt đẹp ở Công xã Paris (Q.1, TP.HCM) được thiết kế và vận hành rất độc đáo khiến “nhiều nhà thờ ở Pháp cũng phải ghen tị”.

Bộ chuông cổ được lắp đặt bên trong hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà, tọa lạc trên khuôn viên tuyệt đẹp ở Công xã Paris (Q.1, TP.HCM) được thiết kế và vận hành rất độc đáo khiến “nhiều nhà thờ ở Pháp cũng phải ghen tị”.

Ông Chín cũng là người trông coi bộ cơ của chiếc đồng hồ gắn trước nhà thờ - Ảnh: Tân Phú
Bộ chuông được bố trí bên trong 4 bức tường gạch của 2 khúc tháp phía trên cùng của 2 tháp chuông. Mỗi khúc tháp có chiều ngang khoảng 6 m, chiều cao khoảng 8 m.
Tháp chuông khi mới khánh thành vào dịp lễ Phục sinh (11.4.1880) có mái bằng (cao 36,6 m). 15 năm sau đó, kiến trúc sư Gardes thiết kế thêm phần mái nhọn lắp ghép bằng tôn và khung thép vươn lên cao như ngày nay (nâng tổng chiều cao lên hơn 60,5 m). Độ cao này tương đương tòa nhà hơn 20 tầng nhưng đường dẫn từ mặt đất lên đỉnh tháp chuông chỉ có cầu thang bộ làm bằng đá, gỗ và sắt với độ dốc rất lớn. Đứng ở dưới mặt đất trong lòng tháp không nhìn thấy được bộ chuông và phần đỉnh tháp vì có một tầng bê tông ngăn cách.
Có lẽ nằm biệt lập bên trên nên ít người có thể tận mắt nhìn thấy, dù bộ chuông đã gắn liền với nhà thờ suốt 135 năm qua.
Tiếng chuông vang xa hơn 10 km
Chuông la (bên trái) và chuông si (bên phải) trên tháp chuông phía Hội trường Thống Nhất. Hai quả chuông này có gắn bàn đạp bằng chân để hỗ trợ khi vận hành chuông bằng motor điện - Ảnh: Tân Phú
Trong 6 quả chuông, chuông sol (còn gọi là chuông nhất) đường kính 2,25 m, cao 3,5 m, nặng 8.785 kg; chuông la (chuông 2) đường kính 1,9 m, nặng 5.931 kg; chuông si (chuông 3) đường kính 1,7 m, nặng 4.184 kg; chuông do (chuông 4) đường kính 1,69 m, nặng 4.315 kg; chuông re (chuông 5) đường kính 1,45 m, nặng 2.194 kg; chuông mi (chuông 6) đường kính 1,25 m, nặng 1.646 kg.
Người “quản” bộ chuông cổ này gần 30 năm qua là ông Phạm Vĩnh Nha (51 tuổi), có tên thường gọi là Chín. Ông Chín cũng là người được giao trọng trách trông nom cả nhà thờ, hằng ngày thực hiện việc đổ chuông khi có thánh lễ, mở cửa cho giáo dân đến dâng lễ và du khách vào tham quan. Ông Chín vẫn còn nhớ rõ ngày mình trở thành “ông từ giữ đền”, đó là ngày 10.1.1987, khi mới 23 tuổi. Lúc đó, ông được giao vận hành bộ chuông vì người tiền nhiệm không còn đủ sức để đi bộ lên tháp mỗi ngày.
Theo ông Chín, bộ chuông cổ độc đáo gồm 6 quả, nặng tổng cộng gần 30 tấn do Hãng đúc chuông Bolley chế tác năm 1879 tại Pháp. Tên 6 quả chuông được gọi bằng 6 cung nhạc: sol (chuông nhất), la (chuông 2), si (chuông 3), do (chuông 4), re (chuông 5), mi (chuông 6). Nhìn trực diện
nhà thờ, tháp chuông phía bên phải (phía Bưu điện TP.HCM) gắn 4 quả sol, do, re, mi; phía bên trái gắn 2 chuông la và si. Ông Chín cho biết bộ chuông đều được vận hành bằng điện từ lúc nhà thờ khánh thành, thông qua 6 motor gắn với 6 quả chuông bằng hệ thống dây xích. Khi bật công tắc điện, motor quay truyền lực qua các dây xích để lắc từng quả chuông. Do 3 quả chuông sol, la và si quá nặng nên được thiết kế bàn đạp để hỗ trợ đạp bằng chân cho chuông lắc khi mới khởi động hệ thống điện. Mỗi quả có 2 bàn đạp nằm song song hai bên cho 2 người đứng đạp. Việc vận hành cả bộ chuông rất công phu và do thiếu người nên từ nhiều năm qua chỉ vận hành chuông do (chuông 4), những dịp lễ trọng mới huy động thêm người để cùng lúc đổ cả 6 quả chuông. Âm thanh của “dàn hợp xướng” này có thể vang xa hơn 10 km.
Cũng theo ông Chín, chuông đúc bằng đồng, nhưng đầu chuông bằng gang để chống gỉ. Qua 135 năm sử dụng vẫn chưa có dấu hiệu gỉ sét. Hoa văn được chạm khắc tinh xảo và họa tiết trên mỗi quả chuông không giống nhau, rất đa dạng.
Nhiều nhà thờ ở Pháp cũng phải ghen tị
Ông Chín trên tháp chuông nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Tân Phú
Ông Chín nói điều thú vị nhất là bộ chuông tạo ra tiếng đàn và báo giờ cho chiếc đồng hồ cổ hiện vẫn đang hoạt động, được gắn chính giữa mặt tiền nhà thờ. Chiếc đồng hồ cổ được lắp sau bộ chuông vì khi nhà thờ khánh thành, hình ảnh tư liệu còn lưu giữ lại cho thấy vị trí đồng hồ là ô văn tròn có đặt cây thánh giá. Mặt ngoài đồng hồ có đường kính 2 m. Kim giờ và kim phút qua hơn 100 năm tồn tại giữa nắng mưa vẫn chưa một lần trải qua sự chỉnh sửa gì. Có một trục ngang dài khoảng 3 m gắn kim giờ, kim phút và nối với bộ cơ của đồng hồ đặt bên trên mái vòm nhà thờ. Một hệ thống cần trục gắn bộ cơ đồng hồ với 6 quả chuông. Khi đồng hồ sắp báo giờ, hệ thống này được thiết kế vận hành hoàn toàn tự động, gõ nhẹ 6 búa sắt (gắn đầu mỗi cần trục) vào mặt ngoài 6 quả chuông tạo ra tiếng đàn vang lên khoảng 30 giây. Khi báo giờ thì chỉ có búa gõ từng cái vào chuông sol tạo thành âm vang lớn. Độ vang của tiếng chuông báo giờ kéo dài trong nhiều phút.
Ông Chín cho rằng chính vì có thể tạo ra tiếng đàn và tiếng chuông báo giờ nên bộ chuông cổ từ lâu được đặt tên theo các cung nhạc. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia đưa ra nhận xét về bộ chuông nhà thờ Đức Bà: “Cả vùng Viễn Đông, không nơi nào có thể sánh được, và ngay cả ở Pháp, nhiều nhà thờ cũng phải ghen tị!”.
Năm 1978, tiếng đàn và tiếng chuông báo giờ bị ngắt “vì sợ làm phiền đến các cơ quan lân cận”. Từ đó đến nay, hệ thống này không được vận hành trở lại. Có lần khởi động lắc chuông trùng với lúc đồng hồ báo giờ nên cần búa chuông đã bị gãy. Cách đây hơn 4 năm, có một chuyên gia về chuông cổ từ Hồng Kông sang xin phép được tiếp cận, nghiên cứu cách thức vận hành báo giờ tự động của đồng hồ và bộ chuông cổ. Sau đó, vị chuyên gia này cho biết có khả năng khôi phục được nhưng kinh phí lên đến cả triệu USD, vì kinh phí quá lớn nên đến nay vẫn chưa tiến hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.