“Lấy bằng được người mình yêu”
Một lần đi cùng bạn đến nhà bạn của bạn chơi, Lê Văn Công tình cờ gặp Chu Thị Tám, lần gặp gỡ định mệnh đó giúp cả hai bén duyên chồng vợ…
Hôm qua (9.9) điện thoại chị Chu Thị Tám reo liên hồi, nhận lời chúc mừng từ người thân, bạn bè và trả lời phỏng vấn báo chí. Bà ngoại ở quê Nghệ An cũng mời vào chơi giúp căn nhà nhỏ của chị và anh Lê Văn Công ở Đức Hòa (Long An) trở nên ấm áp hơn chứ ngày thường cũng chỉ có 3 mẹ con thủ thỉ cùng nhau.
Ngoài thể thao, Lê Văn Công còn có sở thích khám phá điện tử Nhân vật cung cấp
|
Hồi tưởng những ngày đầu gặp anh Lê Văn Công, chị Chu Thị Tám vẫn minh định đó là cuộc gặp của duyên số. Bởi lẽ anh Lê Văn Công không giống như những người bình thường khi đôi chân teo tóp bẩm sinh. Thế nhưng nhiều lần trò chuyện, tiếp xúc với anh, chị Chu Thị Tám nhận ra nơi người đàn ông khiếm khuyết về hình thể này chứa đựng rất nhiều điều thú vị. “Tính anh mộc mạc, chân chất và rất đàn ông. Bên cạnh anh tôi cảm giá mình được che chở, hạnh phúc”, chị Tám chia sẻ.
Từng đó cảm nhận thôi cũng đủ tốn 2 năm trời trước khi cả 2 quyết định kết hôn nào năm 2008. Một số người trong gia đình biết Chu Thị Tám quen và tính chuyện cưới anh Công đã ra sức cấm cản. Thế nhưng Chu Thị Tám vẫn kiên quyết “lấy bằng được người mình yêu”. Kết quả, tình cảm mà Lê Văn Công dành cho Chu Thị Tám ngày càng lớn đã “thu phục” được gia đình bên vợ.
Bỏ hết tất cả để chồng yên tâm thi đấu
Ban đầu chị còn đi làm, nhưng khi có đứa con đầu, chị Tám nhận may vá tại nhà để tiện bề lo cho con. Đến khi có đứa thứ 2, chị nghỉ hẳn để chăm sóc con cái. Một phần vì chẳng còn thời gian, một phần vì để anh Công yên tâm tập luyện và thi đấu.
“Nếu gửi con cho người khác, anh sẽ không thể tập trung vào tập luyện. Nên mình đành nghỉ ở nhà luôn chớ sao. Từ sáng tới chiều tối vật với 2 đứa là hết ngày. Hết đưa đứa này đi học rồi lại chăm đứa kia. Thậm chí, đưa đứa lớn đi học là phải địu theo đứa nhỏ vì không có ai ở nhà”, chị Tám bộc bạch.
Con trai anh Công bên bộ sưu tập huy chương của bố Khả Hòa
|
Đã vậy, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà đều do một tay vợ anh Công lo. Bởi, chồng chị phải đi tập luyện xa nhà. Chị nói: “Ảnh đi tập 1 tuần mới về một lần. Anh về chơi chút xíu rồi đi tiếp. Cũng không làm được gì nhiều. Có khi bé nhỏ bệnh, nằm viện cả 11 ngày mà anh cũng chẳng tới thăm được vì bận tập”.
Thân phụ nữ ở nhà một mình trăm bề cái khổ. Tối điện, tắt đèn, cơm nước, trông con. Ấy mà chị Tám vẫn chu toàn để “chồng đi tập xa về nhìn thấy con khỏe mạnh để còn cảm thấy an tâm rồi đi tập tiếp”. Thậm chí, đến lúc con bệnh đau, chị Tám cũng một thân lo liệu. Còn khi bản thân đau bệnh, chị cũng không dám nói với chồng nửa lời.
“Chỉ mong chồng về nhà chứ chẳng cần đi chơi”
Khi được hỏi có muốn chồng về chở đi chơi không? Chị Tám cười lớn rồi đáp: “Về nhà được là mừng rồi chứ chị cũng chẳng muốn được đưa đi đâu. Ảnh về chơi với con cho tụi nhỏ vui. Hai đứa nhỏ nhớ bố lắm”.
Gia đình nhỏ của anh Lê Văn Công Khả Hòa
|
Bên cạnh chị Tám là đứa con trai 6 tuổi, bẽn lẽn gật đầu khi được hỏi có nhớ bố không. Bé gái thì còn nhỏ quá nên chỉ quấy khóc khi thấy bố trong màn hình vi tính. Nghiệp vận động viên nên buộc anh Lê Văn Công phải vùi mình trong phòng tập hoặc trên sàn đấu thay vì ở nhà chơi cùng con cái.
Nhưng đối với chị Tám, chuyện đó không quan trọng. Miễn là anh thi đấu tốt rồi có thành tích cao. Đến khi được về nhà thì vợ chồng con cái cùng sum họp.
Sau lưng Công là người phụ nữ đặc biệt của đời anh Nhân vật cung cấp
|
Tấm huy chương vàng của anh Công khiến chị Tám mừng lắm. Như thế bao sự hi sinh của chị đều đã dồn vào đó. Hôm nay, điều đó được công nhận, một cách rõ ràng nhất.
Bởi vậy mới thấy, sau thành công của đàn ông luôn có một người phụ nữ chịu thương chịu khó. Và sau một người đàn ông đặc biệt như anh Công là một người phụ nữ cũng vô cùng đặc biệt.
Bình luận (0)