Thiago Almada, 23 tuổi, là thành viên của đội tuyển Argentina vô địch World Cup 2022. Tuy nhiên, anh không tham dự Copa America vừa qua ở nước Mỹ, nhằm tập trung chuẩn bị cho Olympic Paris 2024.
Ở trận đấu ra quân tại vòng bảng môn bóng đá nam Olympic Paris 2024 ngày 24.7 đầy tai tiếng, khi đội Olympic Argentina thua đội Ma Rốc tỷ số 1-2 sau hơn 2 giờ trì hoãn vì CĐV tràn xuống sân và VAR từ chối bàn thắng gỡ hòa 2-2 ở phút 90+16. Sau trận, HLV Javier Mascherano của đội Argentina tiết lộ, trước trận đấu này cầu thủ Thiago Almada đã bị trộm đột nhập vào nơi tập luyện lấy đi nhiều tài sản quý giá.
"Sự thật, vụ trộm đã diễn ra và Thiago Almada đã trình báo với ban tổ chức (BTC) Olympic Paris 2024. Nhưng họ đề nghị cầu thủ này phải đưa ra các bằng chứng, cùng liệt kê những tài sản bị mất cắp. Theo thông tin từ trang BFMTV (Pháp), ước tính ban đầu về số tài sản bị mất cắp gồm đồ trang sức, đồng hồ… tổng trị giá lên tới hơn 50.000 euro. Các chi tiết này được một nguồn tư pháp xác nhận, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng, không tìm thấy dấu vết sự đột nhập hoặc khả năng đột nhập nào tại địa điểm xảy ra vụ trộm", tờ Diario Ole (Argentina) cho biết.
"Bất kể những yêu sách từ giới chức, Thiago Almada đã quyết định chính thức gửi đơn kiện lên ban tổ chức Olympic Paris 2024 ở TP.Lyon, nơi đội Olympic Argentina đến tập luyện và thi đấu trận ra quân vòng bảng môn bóng đá nam thua đội Ma Rốc tỷ số 1-2 ngày 24.7 và xảy ra hàng loạt sự cố được xem là bê bối lớn nhất ở Olympic", tờ Diario Ole nhấn mạnh.
Báo chí Argentina tiếp tục chỉ trích bê bối vụ đội nhà bị thua oan ức
Liên quan đến sự cố ở trận Olympic Argentina gặp đội Ma Rốc, Liên đoàn Bóng đá Argentina (AFA) gửi đơn kiện lên Ủy ban kỷ luật của FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới), không phải IOC (Ủy ban Olympic quốc tế), theo nhà báo Gaston Edul của kênh TyC Sports, người có mặt trực tiếp tại sân Stade Geoffroy-Guichard ở Saint-Etienne và chứng kiến toàn bộ sự việc.
"Đơn kiện của AFA chỉ liên quan đến vấn đề an ninh trận đấu. Ngoài ra, việc bù giờ hơn 15 phút là có lý do chính đáng, vì CĐV nhiều lần tràn xuống sân trong hiệp 2. Việc bàn thắng ở phút bù giờ bị hủy là chính xác, vì cầu thủ Bruno Amione đã việt vị vài cm. Tuy nhiên, vấn đề là trọng tài ra quyết định hủy bàn thắng trong lúc cầu thủ 2 đội ở trong phòng thay đồ và chờ đợi hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì phải đưa ra trên sân có sự chứng kiến của 22 cầu thủ.
Quyết định bàn thắng bị việt vị đã có ngay sau khi CĐV tràn xuống sân (nhờ công nghệ bắt việt vị bán tự động cho ra kết quả ngay sau đó), nhưng ban tổ chức giấu nhẹm đi, không công bố vì sợ CĐV tiếp tục gây bạo loạn. Điều này dẫn đến nhiều suy đoán tiêu cực.
Việc đá thêm 3 phút chỉ là cái cớ để trọng tài làm một động tác không cần thiết là xem lại VAR trên màn hình ngoài sân, sau đó ra dấu hiệu hủy bàn thắng theo quy định. Đây chỉ là trò hề", Gaston Edul bày tỏ trong phần bình luận mới nhất của mình ngày 26.7 trên tài khoản mạng xã hội X (Twitter cũ).
Trong khi đó, theo kênh ESPN Argentina: "AFA khiếu nại dựa trên các lỗi an ninh chứ không phải các quy định thi đấu, vì vậy kết quả trận đấu không thể thay đổi. Do đó, khả năng xử phạt vụ hỗn loạn ở trận đấu đội Olympic Argentina gặp Ma Rốc, chỉ có thể liên quan đến vấn đề CĐV và Liên đoàn Bóng đá Ma Rốc có thể bị xử phạt. Ngoài ra, ban tổ chức sân cũng sẽ nhận hình phạt khi không đảm bảo công tác an ninh trên sân, để CĐV rất nhiều lần tràn xuống sân".
Bình luận (0)