Bị 'ném đá' chỉ vì giọng hát

10/12/2017 13:32 GMT+7

Hát hay cần năng khiếu bẩm sinh hay chỉ cần trải qua những lớp học thanh nhạc? Những người hát chưa hay có đáng bị chỉ trích không? Những chia sẻ của các bạn trẻ dưới đây sẽ giúp bạn phần nào giải đáp những lăn tăn này.

Hát dở, biết hát và hát hay
Đa số khi được hỏi về vấn đề này nhiều bạn trẻ cho rằng hát hay cần năng khiếu bẩm sinh và người hát dở nếu luyện tập bài bản chỉ có thể hát đúng và biết hát chứ không thể hát hay. Không thể phủ nhận mỗi người từ khi sinh ra đã sở hữu chất giọng riêng biệt nhưng kỹ thuật hát mới là yếu tố giúp một người sở hữu chất giọng không hay có thể hát đúng kỹ thuật. Điều này góp phần không nhỏ trong việc cải thiện giọng hát.
Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Theo mình, hát tốt hay không là do năng khiếu, khả năng cảm nhạc và nhiều yếu tố liên quan khác. Một người hát không hay, chất giọng không tốt chỉ có thể tập luyện để hát đúng giai điệu chứ không thể hát hay như người có năng khiếu bẩm sinh".
Còn Nguyễn Thịnh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen cho biết: "Đối với môi trường mình tiếp xúc và giao lưu ca hát, đa số các bạn hát hay thường do năng khiếu bẩm sinh. Họ chỉ luyện tập thêm để nuôi giọng hát tốt và khỏe hơn. Những bạn có năng khiếu, họ sẽ biết cách lấy hơi, nhấn nhá và luyến láy để bổ trợ cho giọng hát. Còn trường hợp hát hay do tập luyện không phải không có, nhưng theo mình trường hợp này chỉ chiếm số ít, và những bạn hát hay do năng khiếu bẩm sinh chiếm đến khoảng 80%".

tin liên quan

Khổ vì… nổi tiếng
Nhiều bạn trẻ nổi tiếng, được công chúng yêu thích, mến mộ vì tài năng ở nhiều lĩnh vực. Thế nhưng họ thú thật, bên cạnh niềm vui thì sự nổi tiếng đem lại cả phiền toái.
Đức Trọng, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng đồng tình với quan điểm trên: "Người có năng khiếu thường cảm âm tốt, nếu được đào tạo nhạc lý, kỹ thuật thanh nhạc sẽ học rất nhanh. Còn những người hát dở, nếu chịu học hỏi và luyện tập sẽ cải thiện được phần nào. Dĩ nhiên sẽ không bằng những người có năng khiếu và giọng hát của họ chỉ dừng lại ở mức biết hát".
Giễu cợt, chỉ trích
Gần đây có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề nhiều ca sĩ hát live (trực tiếp) dở gây xao cộng đồng mạng. Không chỉ riêng ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều bạn trẻ bỗng trở thành nạn nhân, bị chế giễu, chế hình chỉ vì tự tin khoe giọng hát không được hay lên mạng xã hội.
Có nhiều người không ngần ngại tỏ thái độ gay gắt, kèm theo bình luận khiếm nhã khi nghe bất kỳ ca khúc nào không hợp tai. "Giọng ca bị nguyền rủa", "hát gì như rống", "luyện thêm 10 năm nữa đi rồi cầm mic", "thảm họa âm nhạc", "con gì kêu vậy"... là những bình luận quen thuộc thường thấy ở các MV và video ca nhạc từ chuyên nghiệp đến bán chuyên và ngẫu hứng.
Vừa tham gia gameshow dành cho những người hát không hay, Nguyễn Thịnh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen chia sẻ đầy cởi mở: "Mình ít khi hát cho bạn bè nghe lắm. Có chăng cũng chỉ hát cho đám bạn thân khi đi karaoke thôi. Bọn nó nghe lúc đó không nói gì nhưng nhắc tới lại chê mình hát dở. Lúc đăng ký ghi hình mình cũng có đôi chút ngại. Nhưng vì đây là chương trình cho phép hát dở, nhiều người hát dở hơn mình họ còn dám tham gia nên mình cũng không sợ gì mấy".
Văn Sơn, sinh viên Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: "Khả năng hát của mình ở mức tạm chấp nhận, vì biết một chút về nhạc lý do hồi học phổ thông ở nội trú được các anh khóa trên dạy. Bản thân mình không có ý chê bai hay chế giễu những bạn hát không hay nhưng nhiều lúc không kiềm chế được cũng phì cười. Mình quan niệm những người hát dở nhưng vẫn dũng cảm hát thì nên khích lệ chứ ai phũ phàng chế nhạo, hãy để cho họ có cơ hội cảm thụ âm nhạc tốt hơn".
Không giống Thịnh và Sơn, may mắn sở hữu chất giọng ngọt và ấm, vốn là cây văn nghệ của trường từ thời tiểu học, Thùy Trang, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Mình thấy chẳng có gì đáng để chế nhạo hay chê cười đối với những người hát dở cả, trừ những bạn cố tình hát dở hay muốn làm trò khiến mình khó chịu và mắc cười”.
Trước những ý kiến trái chiều về giọng hát của một hotgirl trẻ chuyển hướng sang ca hát, trên một Fanpage tin tức giải trí, thành viên Ngọc Giàu chia sẻ: "Tôi vẫn hay xót xa khi người ta chỉ trích cô ấy. Vâng! Sao bạn không nghĩ là do cô ấy muốn chứng minh mình nghiêm túc...".
Là một trong những người đồng cảm với việc nghệ sĩ hát live dở, Hồng Ân chia sẻ: "Ai cũng có đam mê mà, điều quan trọng là có dám thực hiện nó không...'.
Ai cũng có quyền lên tiếng bình luận trước những điều không hay và nội dung không đẹp. Nhưng đáng nói ở đây, việc lựa chọn tiếp cận thông tin là quyền quyết định của mỗi cá nhân. Không ai ép chúng ta xem những điều không hợp nhãn và nghe những điều không vừa tai.
"Có những bạn trẻ hát chưa hay, hát hơi yếu, hoặc gặp những lỗi hát không lên đủ nốt, hát bị hụt hơi... thì rồi theo thời gian, từ từ bản thân họ sẽ biết cách để cố gắng và rèn luyện. Đừng vội dùng những từ ngữ khó nghe để vùi dập họ. Những người hát chưa hay không đáng để bị nhận những lời chỉ trích thậm tệ", (ca sĩ Thiên Hương)
"Xúc phạm, miệt thị người khác chỉ vì giọng hát của họ chưa hay là điều không nên. Có thể khen chê, nhưng mà dùng từ ngữ xúc phạm họ thì không được. Không nên thể hiện một nền tảng văn hóa yếu kém của cá nhân chỉ vì nhận xét người khác hát dở bằng việc thoải mái buông những lời... cay đắng, dung tục", (thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hương Châu).
T.L (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.