Bị nói lười biếng, tự cao vì từ chối làm thêm việc?

30/04/2024 04:41 GMT+7

Trong môi trường làm việc hiện nay, việc công ty giao thêm việc cho nhân viên đã trở thành một chủ đề nóng bỏng, có nhiều luồng ý kiến tranh cãi.

Những người trong cuộc nói gì về điều này? Phía công ty có đưa ra lý do thuyết phục khi giao thêm việc cho nhân sự của mình hay không?

Cảm thấy áp lực khi thêm việc

Thông thường khi tuyển dụng bất kỳ một vị trí nào, công ty cũng sẽ trao đổi với ứng viên về những công việc, nhiệm vụ cần hoàn thành cũng như mong đợi từ công ty với vị trí tuyển dụng đó. Ứng viên có thể dựa vào đây để xem xét mình có phù hợp hay không, thậm chí là thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi đã trúng tuyển vào làm, nhiều người lại cảm thấy không bằng lòng vì phải làm thêm quá nhiều việc phát sinh bên ngoài.

Chị Trần Trương Quỳnh Như (25 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ, chị từng bị sếp chỉ trích là lười biếng, tự cao chỉ vì từ chối làm thêm việc ngoài giờ. Thời điểm đó, chị Như là sinh viên mới ra trường, ứng tuyển vào làm vị trí viết bài cho một công ty.

Theo thỏa thuận từ ban đầu, công việc của chị Như chủ yếu là viết bài, xây dựng kế hoạch phát triển nội dung cho website, fanpage… Nhưng thực tế, chị phải thường xuyên làm thêm các đầu việc chụp ảnh, quay video, hỗ trợ livestream vì công ty không đủ nhân sự.

“Vì cảm thấy khối lượng công việc không xứng đáng với mức lương và sai lệch với thỏa thuận, tôi đã trình bày với sếp. Sếp bảo tôi cố gắng, một thời gian nữa sẽ tuyển thêm người vào hỗ trợ nhưng mãi chẳng thấy đâu. Sự việc kéo dài liên tục 3, 4 tháng, tôi không chịu đựng được nữa nên đã xin nghỉ. Thời điểm đó, chị sếp đã tỏ thái độ gắt gỏng, đánh giá tôi là một người lười biếng, không có tư duy cầu tiến, công ty giao thêm việc là cho tôi cơ hội thử sức, thể hiện khả năng mà không biết nắm bắt…”, chị Như kể lại.

Với chị Như, việc công ty giao thêm nhiều việc mà không có đãi ngộ xứng đáng thì không thể chấp nhận. Càng không thể chấp nhận một nơi không tôn trọng, quan tâm đến cảm xúc của nhân viên.

Giao thêm việc cần phải có chừng mực

Anh Trần Anh Tú (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, với một số ngành nghề như quảng cáo, marketing mà anh đang làm, chuyện thường xuyên phải làm thêm việc ngoài JD (Job Description - bảng mô tả công việc) là hết sức bình thường. Tuy nhiên, chuyện gì cũng cần phải có chừng mực, nhân viên không có “3 đầu 6 tay” nên không phải giao gì cũng có thể làm.

Có nhiều luồng ý kiến xoay quanh việc công ty giao thêm việc cho nhân viên

Có nhiều luồng ý kiến xoay quanh việc công ty giao thêm việc cho nhân viên

NGUỒN ẢNH: ISTOCK

“Trong thời đại hiện nay, tôi thấy hiếm có ai đi làm mà được làm đúng với những gì đã thỏa thuận lắm. Thường sẽ có phát sinh hay sếp nhờ thêm cái này cái kia, không lẽ mình không làm. Nhưng ranh giới của “một chút” và “nhiều chút” nó mong manh nên bản thân tôi sẽ tự đặt ra giới hạn cho mình. Trước khi nhận thêm, phải đảm bảo mình đã hoàn thành hết các công việc chính và cảm thấy thời gian, sức khỏe của mình cho phép làm điều đó”, anh Tú nói.

Anh Tú cũng cho biết thêm, nói như vậy không phải là anh quá cứng nhắc trong công việc. Anh sẵn sàng tăng ca, nhận thêm một khối lượng công việc lớn mỗi khi công ty có dự án đặc biệt. Đương nhiên, những nỗ lực, cống hiến của anh cũng sẽ được công ty ghi nhận, bù đắp xứng đáng bằng các khoản tiền thưởng hay xem xét vào các đợt thăng chức… Làm thêm những việc khác ngoài JD cũng là một cơ hội để học hỏi, đa dạng hóa kỹ năng và khẳng định tài năng của mình với cấp trên.

Phía công ty nói gì khi giao thêm việc cho nhân viên?

Anh Lê Minh An, Quản lý bộ phận tuyển dụng của khách sạn New World Saigon có quan điểm, giao thêm việc cho nhân viên hoàn toàn không phải việc gì xấu, quan trọng là người lãnh đạo hiểu được giao thêm bao nhiêu là đủ, có vừa sức nhân viên không, có tạo áp lực cho họ không.

“Thời đại ngày nay, các công ty thường có xu hướng tuyển những người đa nhiệm, có nghĩa là một người có khả năng hiểu và làm được nhiều thứ. Và đương nhiên, một công ty đàng hoàng, có uy tín khi giao thêm việc cho nhân viên thì sẽ đền đáp cho họ những phần thưởng xứng đáng. Ví dụ như trao thưởng về tinh thần: những buổi đi ăn, đi chơi giải stress hay phần thưởng hiện vật như món quà, voucher giảm giá, tiền thưởng”, anh An nói.

Anh Khương Duy, Nhà sáng lập và giám đốc của Công ty OhYeah Travel có lời khuyên: “Khi mà phía công ty giao cho các bạn công việc, các bạn cảm thấy chưa phù hợp chỗ nào thì có thể trao đổi trực tiếp. Đôi khi, những công việc mà lãnh đạo đưa ra chính là những thử thách để đánh giá thêm về năng lực, tạo điều kiện để các bạn thể hiện bản thân”.

Anh Duy nói thêm, trong các đợt cất nhắc tăng lương hay thăng chức, những bạn có làm thêm việc, cống hiến cho công ty nhiều hơn chắc chắn sẽ được sếp nhớ tới đầu tiên.

Anh Lê Văn Phước, Trưởng văn phòng đại diện Công ty cổ phần công nghệ du lịch Best Price nhấn mạnh, các bạn trẻ cũng không nên cho phép bản thân mình từ bỏ công công việc một cách quá dễ dàng. Nếu các bạn trẻ chỉ mới áp lực chút xíu mà đã không chịu được thì dù làm ở đâu cũng sẽ cho về một kết quả như nhau.

Đương nhiên, về phía công ty, nếu như không quan tâm đến nhân viên, giao việc quá sức, trả lương không phù hợp thì chắc chắn những người tài sẽ không bao giờ gắn bó với họ lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.