Theo CNBC, Google đã buộc phải tạm dừng “nghe lén” người dùng trợ lý ảo Assistant của họ tại châu Âu. Vụ việc xuất phát từ phản ứng dữ dội của người dùng và các cơ quan quản lý ở khu vực này vào tháng trước sau khi có hơn 1.000 đoạn ghi âm các cuộc hội thoại riêng tư từ trợ lý ảo Google Assistant của họ bị rò rỉ và tới tay kênh truyền thông VRT NWS của Bỉ. Đối mặt với tình huống khó xử này, gã khổng lồ công nghệ tuyên bố họ đã tự nguyện đóng các hoạt động “cải tiến trợ lý ảo” và đánh giá lại cách thức tiến hành “dạy dỗ” trợ lý ảo bằng cách thuê bên thứ ba bóc tách các đoạn băng ghi âm ẩn danh thu được từ Google Assistant.
Đại diện của Google cho biết, họ đã tạm dừng chương trình ngay sau khi các đoạn băng ghi âm bị rò rỉ, "chúng tôi đang liên hệ với cơ quan quản lý dữ liệu của Hamburg và đánh giá lại phương thức tiến hành cải tiến trợ lý nhằm giúp người dùng hiểu rõ cách mà chúng tôi sử dụng dữ liệu hơn”.
Mùa xuân năm ngoái, Google cho biết họ đã triển khai trợ lý ảo Assistant tới 80 quốc gia và hỗ trợ 30 ngôn ngữ, gần đây Google đã chính thức hỗ trợ cả tiếng Việt. Theo đó, các cuộc hội thoại bị rò rỉ từ Hà Lan và Bỉ, nơi Google Assistant có mặt từ cuối năm 2018, các đoạn ghi âm này được trích ra từ cả loa thông minh Google Home và ứng dụng Asisstant trên điện thoại Android của người dùng. Google giải thích rằng họ chỉ dùng chúng để thuê các chuyên gia ngôn ngữ đánh giá và giúp trợ lý của họ hiểu rõ hơn về các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Để trấn an người dùng, Google tuyên bố họ chỉ “sao chép một phần nhỏ, khoảng 0,2%” các đoạn ghi âm và được gửi cho bên thứ ba bóc tách dưới dạng ẩn danh, các đoạn ghi âm này chỉ được thu lại khi người dùng kích hoạt trợ lý ảo bằng cách nói “Ok, Google” khi bật ứng dụng lên. Nhưng cuộc điều tra của VRT (Bỉ) đã cho thấy tuyên bố của Google không hoàn toàn trung thực, họ đã thu thập được tổng cộng 153 đoạn hội thoại được ghi lại trong cả các tình huống người dùng không hề kích hoạt trợ lý ảo bằng câu lệnh “OK, Google!”.
Các nhà hoạt động về quyền riêng tư cho rằng Google Assistant đã vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU. Qua đó, các trợ lý ảo khác cũng cần phải được giám sát. Điển hình là gần đây Amazon cũng thừa nhận họ đang lưu trữ các bản ghi âm thu thập được từ người dùng trợ lý ảo Alexa một cách “vô thời hạn”, qua đó vi phạm quy tắc GDRP vì các nhà phê bình cho rằng không nên cho phép lưu trữ dữ liệu người dùng dài hạn ở các công ty. Hiện các tổ chức lập pháp ở châu Âu và Mỹ vẫn đang giám sát chặt chẽ các động thái của Google cũng như các công ty có trợ lý ảo tương tự.
Bình luận (0)