Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay rất nhiều người có sở thích tận dụng khu đất trống gần nhà để tự trồng rau ăn. Thậm chí, có nhiều gia đình ở ngay trung tâm TP.HCM, không có nhiều đất trồng, cuối tuần hay mang bao tải xuống các quận vùng ven xin đất về trồng hoặc hốt rác mục tại các bãi rác về làm phân.
tin liên quan
Nghi ngờ có sắp xếp, phá hoại trong vụ phát hiện dòi trong thức ănSau 2 ngày phát hiện có dòi trong thức ăn tại một doanh nghiệp tại Nam Định, các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra nguyên nhân.
Nếu đi dọc theo các tuyến đường thuộc quận vùng ven như Q.12, H.Hóc Môn, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè… sẽ không khó để bắt gặp các đám rau xanh mơn mởn được trồng tại vỉa hè, chân cầu, cạnh các con kênh rạch bốc mùi hôi thối hoặc cạnh các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn sau thu hoạch của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đã có không ít gia đình ăn phải rau độc vì mọc trên đất mùn nằm gần các nhà máy, khu công nghiệp chứa lượng lớn kim loại nặng.
Rau củ quả lớn lên từ loại đất này cũng sẽ hấp thu kim loại nặng. Người ăn vào sẽ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm như ung thư, thận, sinh con quái thai… Do đó người trồng rau cần phải biết đất mình trồng rau là có an toàn hay không.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, đất được bán tại cửa hàng cây trồng chưa chắc tất cả đều là đất sạch nên người mua cần chọn cẩn thận. Tại các đoạn đường Thành Thái (Q.10), Nguyễn Hữu Thọ (dưới chân cầu Kênh Tẻ, Q.7); các cửa hàng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận)… đất trồng, phân bón được bán dạng “trần”, giá 10.000 đồng/kg đất, 20.000 đồng/nửa kg phân hữu cơ.
Họ cho biết các loại đất này chuyên dùng cung cấp cho các trang trại trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, nó chỉ được chứa trong túi bạc, bên ngoài dán duy nhất tờ giấy đánh các số thứ tự 2, 3, 4, N-P-K… không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhiều nơi có bán cả các giá thể làm sẵn (xơ dừa kết sẵn trong rổ hoặc thùng xốp) đã qua sử dụng của các công ty sản xuất rau mầm với giá 30.000 - 50.000 đồng/sản phẩm (tùy kích thước lớn hay nhỏ) và khuyến khích người trồng rau mua về tái sử dụng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, người tiêu dùng cũng không nên chọn mua giá thể đã qua sử dụng của các nhà sản xuất rau mầm vì nếu họ dùng các chất kích thích tăng trưởng trước đó, dù có xử lý lại chất độc vẫn không mất đi.
Khi trồng trên các loại đất và phân này, các chất độc sẽ qua rễ lên thân rau làm rau bị nhiễm độc, nhất là các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách, rau mùi… Khi xâm nhiễm vào cơ thể người với lượng vượt mức cho phép sẽ tích lũy gây bệnh, thậm chí ung thư.
Cách chọn đất sạch
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết đất trồng có hai loại: tự nhiên và đất nhân tạo (giá thể trồng cây). Đất trồng có sạch hay không phải đảm bảo các tiêu chí: không chứa kim loại nặng vì có nguy cơ gây ung thư, không chứa vi sinh vật gây bệnh, không chứa tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng trong bảo quản chế biến thực phẩm, không có trứng giun sán, không chứa quá nhiều ion NO3 - đây là một dạng chất đạm làm cho rau phát triển, lá xanh nhưng khi hấp thụ vào cây rau sẽ là một trong những chỉ tiêu bị giới hạn trong tiêu chuẩn của rau an toàn.
Tại các cửa hàng đều giới thiệu bán “đất sạch” thì người tiêu dùng phải cân nhắc. Nếu đó là đất tự nhiên thì cần tìm hiểu nguồn gốc đất đó ở đâu. Còn riêng về đất nhân tạo, thường được tạo nên từ than bùn, mùn cưa, vỏ cây, xơ dừa, trấu hun, polystyrene xốp, bọt ureaformaldehyt… mặc dù quảng cáo “đất sạch” nhưng chưa chắc sạch.
Ví dụ, giá thể tạo nên từ mùn cưa, nếu mùn cưa lấy từ gỗ chứa nhiều tinh dầu, gỗ đã ngâm, gỗ tẩm thuốc bảo quản… thì sẽ không sạch được. Hiện chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý, đánh giá các loại đất trồng nên người tiêu dùng muốn tìm được đất sạch thật sự rất khó, chỉ có thể lựa sản phẩm có nhãn mác rõ ràng.
Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Văn Phong cảnh báo, nếu không am hiểu về cách dùng phân bón thì người trồng không nên dùng phân hóa học để bón rau. Vì nếu dùng không đúng cách, rau sạch sẽ biến thành… rau độc. Chỉ nên dùng phân bón vi sinh, thường được chứa trong các bịch nhỏ, pha vào nước tưới lên cây.
Nhưng với loại này, cũng cần mua sản phẩm có thương hiệu, có khuyến cáo liều lượng rõ ràng, không mua loại bán ký. Việc dùng phân chuồng khiến nhiều loại giun, sán bám trên rau nên trước khi ăn, rau cần được rửa thật kỹ dưới vòi nước.
Bình luận (0)