Cánh đồng Bàu Súng có đến hàng trăm hộ dân sống bằng nghề trồng rau muống. Ông Thừa cho biết, so với một số hộ dân ở đây, diện tích trồng rau nhà ông không nhiều bằng nhưng thu nhập thì đều đều cả các tháng trong năm. Ông kể, phần ruộng hơn 4 sào trên cánh đồng ông nhận khoán của xã nằm trên vùng đất không trồng được lúa vì mùa mưa nước ngập, mùa nắng úng nước nên ông chọn cây rau muống để thâm canh gần 20 năm nay.
Cây rau muống có ưu điểm hơn các loại cây khác ở chỗ chịu đất bàu, dễ trồng, đầu tư ít, thu hoạch liên tục trong nhiều năm, giá cả ổn định, nhu cầu tiêu thụ lớn nên không bao giờ sợ ế. Toàn diện tích này ông Thừa chỉ trồng 1 lần từ ngày nhận ruộng. Những năm sau và cho đến bây giờ, nhiệm vụ chính của ông là chỉ cần giữ cho ruộng rau mình luôn có nước trong mùa nắng, thoát nước tốt trong mùa mưa và chịu khó đầu tư ít phân bón, công chăm sóc thì sẽ có thu nhập.
Theo ông Thừa, trồng rau muống không tốn nhiều công. Đối với ông, đây là công việc phụ và chỉ mình ông làm. Ông chỉ cần ra ruộng thăm chừng, canh ruộng rau có đủ độ ẩm, kiểm tra xem có sâu ăn lá không. Nếu đảm bảo 2 tiêu chí trên thì sau lần cắt rau 5 ngày, ông vãi khoảng 5 kg phân u rê trên 1 sào thì 15 ngày sau sẽ có một ruộng rau tươi tốt để thu hoạch. Thời điểm cắt rau, một mình ông Thừa đảm đương ra ruộng từ 5 giờ đến 9 giờ 30 sẽ xong 1 sào, sau đó gánh vào chất thành đống bên lề đường và sẽ có người đến mua sỉ hết.
Thời điểm rau muống tốt nhất là từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch. Ông Thừa chịu khó chăm sóc rau đều đặn, cứ 20 ngày cắt một lứa. Hiện nay, giá rau dao động từ 1.000 - 1.200 đồng/bó (1 - 1,5 kg/bó). Một sào rau 1 lứa cắt được khoảng 1.000 - 1.200 bó. Như vậy, cứ 20 ngày, tổng 4 sào rau ông Thừa cắt được khoảng 5.000 bó, thu trên 5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu lại từ 4,5 - 5 triệu đồng, một số tiền không phải là ít với công việc ít người quan tâm này.
“Cũng nhờ vậy mà đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và gửi cho đứa con ăn học trong Sài Gòn”, ông Thừa vui vẻ cho biết. Nếu thời điểm giá rau tăng lên 1.500 - 2.000 đồng/bó thì số tiền thu nhập từ rau muống cao hơn. Theo ông Thừa, một điều thuận lợi từ cây rau muống là thu hoạch quanh năm. Mùa nắng thì cứ 20 ngày cắt 1 lần. Mùa mưa nước ngập thì khoảng 25 ngày mới lội nước cắt nhưng bù lại, rau thị trường ít vì bị ngập nước thì giá lại cao hơn.
Sở dĩ rau muống của ông Thừa trồng nói riêng và rau muống Bàu Súng nói chung bán chạy, không ế là vì nguồn rau tươi ngon nên người dùng chú trọng. Hơn nữa, hiện nay người mua rau không chỉ dùng trong bữa cơm gia đình mà còn làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi gà, vịt, heo, dê và nhất là bò. Do vậy, rau muống ở đây không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất bán ra các tỉnh lân cận. Mỗi buổi sớm, các thương lái đưa rau muống từ Bàu Súng lên các xe tải cỡ nhỏ đi tiêu thụ khắp các huyện trong ngoài tỉnh Phú Yên.
Những năm gần đây, người dân thấy được hiệu quả của loại rau này nên đã mạnh dạn chuyển những diện tích đất trồng cây khác sang trồng rau muống. Mỗi sào ruộng trong mỗi tháng có thể thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu so với sản xuất lúa thì trồng rau cho thu nhập cao hơn gấp 3 - 4 lần.
Bình luận (0)