Họ không những học giỏi mà còn là những bạn trẻ năng động. Điều gì giúp họ làm được điều đó?
Lê Huỳnh Hoàng Phương và Võ Thị Thùy Trang - Ảnh: T.Đ |
Ốm nhom, sở hữu nụ cười tươi với khuôn mặt sáng và ấn tượng, Võ Thị Thùy Trang, sinh viên (SV) năm thứ 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có điểm trung bình của năm là 8,4. Chia sẻ bí quyết trong học tập, Thùy Trang nói: “Mình không bao giờ phân biệt môn chính, phụ. Môn học nào mình cũng tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài. Nhờ vậy mình nắm bắt bài học tốt, nhớ sâu. Sau giờ học phải chịu khó đọc tài liệu trên mạng, sách ở thư viện để nâng cao kiến thức…”.
Với kết quả đạt 3,80/4 trong năm học vừa qua, Lê Quốc Thái, SV năm thứ 4 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, bộc bạch: “Mình hay liên lạc với các anh chị khóa trước để xin tài liệu… Mỗi đầu học kỳ, mình tìm hiểu các môn sẽ học rồi xem trước tài liệu, bài giảng, sách đã mượn được. Vì vậy khi vào lớp mình lĩnh hội bài giảng nhanh, thậm chí còn chuẩn bị câu hỏi trước để nhờ thầy cô giải đáp…”.
Cũng theo Quốc Thái, vào học kỳ 1 năm nhất nhà trường có dạy môn kỹ năng học tập. Môn này giúp SV cách thức hướng đến tư duy tích cực, cách quản lý thời gian, lập kế hoạch học tập, kỹ năng làm việc nhóm… Đây là điều rất cần thiết cho SV mới chập chững bước vào ĐH. “Nhờ áp dụng những kiến thức, kỹ năng ở môn học bắt buộc này mà mình có được kết quả khá tốt”, Quốc Thái đúc kết.
Vừa tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ, Lê Huỳnh Hoàng Phương, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tài chính - Marketing, để lại ấn tượng tốt với thầy cô, bạn bè.
Nói về cách thức để có được điểm cao, Hoàng Phương nói: “Mình phải tham gia thật nhiều các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ trong trường”. Tôi hỏi: “Việc này có liên quan gì đến chuyện học giỏi?”. Phương trả lời ngay: “Có chứ, nhiều là khác. Nhờ tham gia các hoạt động này mà dần dần mình có được sự tự tin rồi tiến đến sự chủ động, quyết đoán. Từ đó trên lớp học mình chủ động hơn, mạnh dạn đặt câu hỏi, quyết đoán đưa ra câu trả lời, nhận định trong bài thi. Hơn thế, học quản trị kinh doanh thì ngoài lý thuyết phải biết áp dụng thực tế, lấy thực tế để kiểm nghiệm những kiến thức mình đã học. Kỹ năng ấy sẽ có khi trải nghiệm qua những hoạt động ngoài giảng đường”.
Ngoài học trên lớp, Phương còn học theo nhóm, trong nhóm có người giỏi môn này, người giỏi môn kia nên hỗ trợ nhau rất tốt. “Khi mình chỉ bài cho bạn cũng là lúc mình ôn bài, nhờ đó vào phòng thi sẽ nhớ bài, làm bài chính xác”, Hoàng Phương nói. Hiện Hoàng Phương đã có việc, phụ trách xuất nhập khẩu tại một công ty thức ăn chăn nuôi ở Q.2, TP.HCM.
Ông Phạm Quốc Luyến, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Phương học giỏi và tham gia tốt các câu lạc bộ. Có kiến thức cộng với nhiều kỹ năng nên Phương có việc làm ngay sau khi ra trường là điều dễ hiểu”.
Đề cập vấn đề làm thế nào để đạt được điểm cao trong học tập, đặc biệt là SV học ngành kinh tế, ông Luyến chia sẻ: “Cái thiếu nhất của các SV hiện nay là sự chủ động. Vào học rồi mà có em vẫn mơ hồ, chưa biết mục đích là gì, học khoa này nhưng nhìn sang khoa khác, học trường này nghĩ về trường khác… Một khi xác định được mục đích, đam mê thì SV sẽ rất chủ động trong việc học, chủ động học trên lớp, học sách vở và học ngoài xã hội”.
Học giỏi nhưng không phải Thùy Trang, Quốc Thái, Hoàng Phương lúc nào cũng chỉ chăm chăm chuyện học. Họ vẫn dành thời gian thư giãn, lướt web và tham gia tích cực các hoạt động hữu ích trong trường, ngoài xã hội. “Học giỏi thôi chưa đủ, mình còn phải rèn thêm kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng khác để khỏi bỡ ngỡ, khó khăn khi nói chuyện, làm việc với người lạ, với môi trường mới. Có như thế khi ra trường mới đủ tự tin để làm việc”, Lê Quốc Thái nói.
Bình luận (0)