Bí quyết làm giàu: Nuôi cà cuống thu nửa tỉ đồng mỗi năm

17/09/2019 06:37 GMT+7

Anh Cao Nguyễn Đô Lăng (39 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú 1, TT.An Châu, H.Châu Thành, An Giang) được xem là người tiên phong ở miền Tây lập trang trại để nuôi cà cuống, thu nhập hơn 40 triệu đồng mỗi tháng.

Dẫn chúng tôi tham quan các bể nuôi cà cuống, anh Lăng bắt lên một con rồi chỉ những đặc điểm thú vị của loài côn trùng này. Anh nói đây là con đực, ngay phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này. Chỉ tay về 4 cây gỗ có những tổ trứng trên cây trông như trứng ốc bươu vàng nhưng màu trắng đục, anh Lăng cho biết đó là trứng cà cuống, đã được khách hàng đặt mua từ trước. “Hiện nay, cà cuống được coi là loài côn trùng quý hiếm, có nhiều công dụng như làm thuốc chữa bệnh, ngâm làm nước mắm, chế biến thành các món ăn đặc sản như chiên giòn, chiên bột…”, anh Lăng nói.
Anh Lăng kể, cuối năm 2016, với mong muốn tìm vật nuôi mới lạ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh “lang thang” trên mạng tìm hiểu rồi học theo mô hình nuôi cà cuống ở Tây Ninh. Đầu năm 2017, anh đến trang trại ở Tây Ninh mua 100 con giống về nuôi. Chia sẻ về cách nuôi, anh Lăng cho biết mỗi bể nuôi khoảng 50 con cà cuống bố mẹ. Bể xây bằng xi măng, chiều ngang 1,5 m, dài 2 m, cao 0,8 m. Bên trên có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bò ra ngoài, chiều cao mặt nước cách đáy bể khoảng 20 m.
Để tạo môi trường thủy sinh, anh Lăng thả rong rêu, lục bình và đặt cây gỗ xung quanh bể cho cà cuống có chỗ bám vào đẻ trứng. Thức ăn của cà cuống chủ yếu là côn trùng (nhái, dế, cào cào, châu chấu) và cá nhỏ. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn, anh Lăng còn nhân giống ếch và các loại cá kiểng như cá bảy màu, hột lựu, lia thia... Theo anh Lăng, điều quan trọng là phải cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt. Hôm trước đổ thức ăn vào thì hôm sau phải vớt xác các loại làm mồi còn dư ra bỏ để không làm ô nhiễm nguồn nước. Chu kỳ từ 1 - 1,5 tháng tiến hành thay nước trong bể một lần.
Anh Lăng cho biết cà cuống rất dễ nuôi, hoàn toàn không bị nhiễm các loại dịch bệnh, ít hao hụt, gia đình có diện tích đất nhỏ vẫn có thể nuôi được. Cà cuống đẻ quanh năm, mỗi lần đẻ cách nhau 1 - 1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở khoảng 98%. Từ khi nở đến lúc xuất bán làm giống mất 45 ngày; còn nuôi dưỡng để sinh sản mất 75 ngày…
Sau 2 năm phát triển, trang trại cà cuống của anh Lăng hiện có 20 bể nuôi với khoảng 500 con bố mẹ và vài ngàn con non. Nhờ đó, mỗi tháng anh xuất bán hàng trăm con giống với giá trên, dưới 200.000 đồng/con, thu nhập hơn 40 triệu đồng. “Cà cuống được xem là món đặc sản nhưng ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên việc nuôi loài côn trùng này rất an tâm đầu ra. Hiện tôi đang mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thêm bể nuôi để cung ứng con giống ra thị trường”, anh Lăng nói và cho biết sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con muốn nuôi loại côn trùng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.