Vì theo Phúc các môn ngoài tổ hợp sẽ mở rộng hơn con đường vào giảng đường ĐH của mỗi thí sinh.
Từng lựa chọn cả 2 hình thức là xét tuyển và thi tuyển, Phúc cho rằng việc xác định rõ ràng mục tiêu đạt điểm cao đối với các môn trong tổ hợp và cố gắng để đạt điểm cao ở các bộ môn này là không sai. Tuy nhiên, cũng cần dành ra lượng thời gian tương đối cho các môn ngoài tổ hợp thay vì chăm chú một cách phiến diện vào các môn trong tổ hợp.
Theo Phúc, các môn ngoài tổ hợp bảo đảm để điểm trung bình môn tại học kỳ đó được duy trì ở mức ổn định. Chính vì thế, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Hãy phân bổ một cách rạch ròi ở giai đoạn học kỳ 2 sau tết: 40% thời gian dành cho các môn tổ hợp, 30% thời gian cho các môn ngoài tổ hợp, 20% cho việc nghỉ ngơi và vui chơi (6 - 8 tiếng) và 10% cho việc dung nạp các kiến thức ngoại vi phù hợp và nâng cao cho bài thi của chúng ta. Ở giai đoạn ôn thi cuối cùng, dành 80% cho các môn tổ hợp, 15% cho việc nghỉ ngơi và 5% cho việc xem xét dung nạp thêm các kiến thức ngoại vi”.
Với kinh nghiệm ôn thi ở tổ hợp D14 (lịch sử 9,75 điểm, ngữ văn 9,75 điểm và tiếng Anh là 9,6 điểm), Phúc cho biết với môn lịch sử thì tính chất cơ bản nhất là sự đòi hỏi mức độ liên tục của tư duy, tức là phải thực hiện việc đọc - học - nhớ một cách xuyên suốt theo chu kỳ để đảm bảo sẽ không quên đi các sự kiện và mối quan hệ của chúng.
Đối với môn ngữ văn, Phúc khuyên nên chia ra các phần cơ bản trong đề thi để dễ định hướng phương thức “tác chiến” trong giai đoạn sau tết.
Ở phần làm văn nghị luận xã hội, Phúc khuyên nên phác thảo tiến trình làm bài riêng cho dạng nghị luận mang tính triết lý (các tư tưởng, nhận định) và dạng mang tính thời sự (các vấn đề xã hội, các thực trạng diễn ra). Ở phần làm văn nghị luận văn học, bên cạnh việc học các tác phẩm ở học kỳ 2 mà toàn bộ là văn xuôi, nên đọc lại các kiến thức trọng tâm ở học kỳ 1.
Đối với môn tiếng Anh, Phúc cho rằng không phân bố theo học kỳ, nội dung kiến thức của môn này là vô tận. Do đó, bí quyết chinh phục bài thi tiếng Anh của Phúc là tích hợp vào những quyển sổ, thực hiện ghi nhớ chúng một cách liên tục. Việc ghi chú là cực kỳ quan trọng vì nó giúp tích trữ lại những mảng kiến thức và là cơ sở để ôn luyện. Tuy nhiên, ghi chú phải khoa học. Cũng nên giãn cách dòng khi ghi chú, sau một nội dung, hãy cách bỏ 1 hàng để ghi nội dung kế tiếp thay vì ghi liên tục.
“Có thể đây chỉ là một yếu tố nhỏ, nhưng nó sẽ gây ra hiệu ứng tương đối trong quá trình ôn. Vì một mớ lộn xộn, liên tục từ mấy mươi trang chắc chắn sẽ là nỗi ám ảnh khi ôn luyện”, Phúc nhắn gửi.
Cuối cùng, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên hãy đọc lại bất cứ khi nào rảnh, khi đi ăn với bạn, khi giờ học còn trống… “Riêng biệt đối với môn tiếng Anh, chúng ta không cần phải có khoảng thời gian thật dài để học và ghi nhớ như các môn ngữ văn hay lịch sử, mà hãy chủ động đọc lại kiến thức đã ghi để đảm bảo rằng tụi mình có thể làm chủ được nhiều nhất các câu hỏi mà đề đưa ra”, Phúc gửi gắm.
Bình luận (0)