Bí quyết thành công của các 'nữ tướng' trong ngành công nghệ

08/03/2023 10:22 GMT+7

Có những đặc điểm chỉ riêng nữ giới có đang ngày càng phù hợp với mảng công nghệ - lĩnh vực mà nam giới chiếm số đông.

"Không ngừng học hỏi, không ngại thay đổi để tốt hơn"

Đó là tiết lộ của chị Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Khối vận hành (COO) của Lazada Việt Nam khi nói về bí quyết giúp đơn vị vươn lên trong môi trường công nghệ thay đổi từng ngày như hiện nay. Theo nữ COO, thay đổi tích cực hay không phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người, vì vậy hãy chọn cách nhìn nhận đúng và phù hợp.

Giám đốc Khối vận hành của Lazada - Phạm Thị Quỳnh Trang

Giám đốc Khối vận hành của Lazada - Phạm Thị Quỳnh Trang

NVCC

Nhưng nỗ lực để ứng biến với các biến động của thị trường không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tích cực và nhiều khi doanh nghiệp đứng trước các lựa chọn mang tính quyết định tới hành trình tiếp theo. Lựa chọn không chỉ để thay đổi mà còn phải xác định đúng định hướng, thị trường, đúng sản phẩm và nhân sự đề đồng hành. "Không phải lúc nào cũng lựa chọn đóng nên khi phải đối mặt khó khăn cần quyết định sống còn thì chúng tôi chọn kiên định với tầm nhìn và sứ mệnh của mình", Phó chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số (DCCA) kiêm Giám đốc truyền thông Sconnect Quyên Phạm tâm sự.

Còn theo chị Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail (FRT), hành trình xây dựng doanh nghiệp cùng các đồng đội là công cuộc tự đi tìm lời giải cho các đề bài khó, mở ra lối đi riêng để khi thành công sẽ có niềm hạnh phúc vẹn tròn hơn. "Bí quyết để vươn lên trong môi trường công nghệ thay đổi từng ngày như hiện nay, đầu tiên phải kể đến quyết tâm và sự đồng lòng từ cấp lãnh đạo tới cán bộ, nhân viên. Tiếp đó là sẵn sàng đón mọi thách thức bằng sự tự tin, cách nhìn đổi mới, sáng tạo và không đi vào lối mòn", nữ lãnh đạo được mệnh danh "Người đàn bà thép của FRT" bộc bạch.

Tổng giám đốc ZaloPay - Lê Lan Chi

Tổng giám đốc ZaloPay - Lê Lan Chi

T.L

Chia sẻ thêm về vai trò của nữ lãnh đạo trong một doanh nghiệp công nghệ, chị Lê Lan Chi - Tổng giám đốc Ví điện tử ZaloPay nói: "Tôi tin rằng vai trò của mình không phải là can thiệp, quản lý vĩ mô mà là hỗ trợ, định hướng rõ ràng và đưa nhân sự đủ nguồn lực cần thiết để phát triển". Người đứng đầu ví điện tử ZaloPay cũng không giấu rằng mỗi ngày đi làm đều được học từ các đồng nghiệp, thậm chí là từ thực tập sinh khi không ít lần họ khiến lãnh đạo ngỡ ngàng với những ý tưởng đề xuất.

Thổi làn gió mới vào lĩnh vực khô khan

Theo thống kê của UN Women - tổ chức chuyên về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Liên Hiệp Quốc, nữ giới chỉ chiếm 22% nhân sự đang làm việc ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Còn số liệu của Deloitte Global ước tính năm 2022 gần 33% lực lượng lao động tại các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới là nữ, tăng hơn 2% so với 2019. Tuy nhiên ở vị trí lãnh đạo, mức tăng trưởng này cao hơn khi đạt 25,3% so với 21,2% ở cùng giai đoạn. Như vậy cứ 4 người đứng đầu công ty công nghệ có quy mô lớn thì một là phụ nữ.

Giám đốc WBSys - Nguyễn Thị Quỳnh Như

Giám đốc WBSys - Nguyễn Thị Quỳnh Như

NVCC

Đã có những nghiên cứu cho thấy phụ nữ và nam giới khác nhau về sự tương tác với công nghệ. Đàn ông có nhiều khả năng sử dụng công nghệ để giải trí, khám phá, trong khi phụ nữ cố gắng nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ được tạo điều kiện thuận lợi. Giám đốc Công ty Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp WBSys Nguyễn Thị Quỳnh Như cho rằng sự khô khan, logic trong lĩnh vực công nghệ, thông tin truyền thông (ICT) sẽ được cân bằng bởi bản năng của nữ giới với sự nhạy bén, thấu hiểu, nhẫn nại, tỉ mỉ và sức chịu đựng tốt: "Đó là ưu thế bản năng giúp họ quản lý thuận lợi và kiểm soát rủi ro vận hành tốt hơn".

Kỹ tính, khả năng tập trung cao và chịu áp lực tốt cũng giúp nữ giới trở nên phù hợp trong vai trò lãnh đạo ở doanh nghiệp công nghệ. Bên cạnh đó, sự nhạy bén đã trở thành một phần bản năng của họ và phụ nữ cũng có khả năng thấu hiểu những người xung quanh tốt hơn.

"Là một nữ lãnh đạo làm việc tại môi trường công nghệ, lợi thế này đã giúp tôi rất nhiều trong việc truyền cảm hứng và thúc đẩy nhân viên phát triển thông qua cách truyền đạt tự nhiên nhưng đủ mang lại hiệu quả, từ đó tạo ra sự thay đổi tích cực cho doanh nghiệp cũng như tạo môi trường làm việc thân thiện, gần gũi hơn. Ngoài ra tôi cũng thấy mình dễ dàng nắm bắt tâm lý và đưa ra chiến lược phù hợp", chị Quỳnh Trang trao đổi với Thanh Niên.

CEO FPT Retail - Nguyễn Bạch Diệp

Bà Nguyễn Bạch Điệp

NVCC

"Tôi nghĩ rằng, sự tinh tế, mềm dẻo, linh hoạt, chịu khó học hỏi là ưu thế của phụ nữ khi làm việc trong mảng ICT vốn dĩ quá khô cứng và luôn theo quy chuẩn. Những đặc điểm này có thể giúp nữ giới nhanh thích ứng và theo kịp sự thay đổi của công nghệ", Chủ tịch FRT bổ sung.

"Đừng để mình kiệt sức"

Nữ giới hiện nay chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Giai đoạn 20 năm trở lại đây, cơ hội được chia đều trong ngành, đặc biệt khi chương trình chuyển đổi số quốc gia đang là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo những nữ lãnh đạo đã đi trước trong ngành, mỗi người có điểm mạnh - yếu riêng và nên nghĩ thật sâu về điểm mà bản thân muốn điều chỉnh.

"Kiệt sức trong công việc là một vấn đề thực sự mà phụ nữ nào cũng có thể gặp trong lĩnh vực công nghệ. Đó là trạng thái kiệt sức về tinh thần hoặc thể chất và khiến cảm thấy thấp thỏm, không có động lực. Do đó, hãy đảm bảo bản thân luôn giữ cân bằng giữa công việc, cuộc sống và nhớ đừng để mình kiệt sức", Giám đốc của WBSys chia sẻ về điều quan trọng đúc rút được trong hành trình công tác của mình.

Giám đốc Marketing Sconnect - Quyên Phạm

Giám đốc Truyền thông - Quyên Phạm

NVCC

Trả lời cho câu hỏi về điều quan trọng nhất muốn chia sẻ với người trẻ và đặc biệt là nữ giới, chị Quyên Phạm khẳng định đó là "yêu công việc của mình" để có thể thành công. "Dù làm gì, ở đâu thì mình cũng phải yêu, say mê và cống hiến. Giống như trồng cây thì phải tốn mồ hôi, công sức chăm bón rồi mới có quả ngọt", chị chia sẻ. Bên cạnh đó, do đặc thù mảng công nghệ thay đổi không ngừng nên dù là nam hay nữ cũng cần biết thích nghi với hoàn cảnh và làm ICT còn đòi hỏi điều đó cao hơn nhiều để không bị tụt lại phía sau.

"Có 3 lời khuyên tôi thường dành cho các nhân viên trẻ. Đầu tiên là chủ động học tập, bởi sếp nhiều khi quá bận rộn để hướng dẫn mọi thứ, nhưng chúng ta có thể học từ việc quan sát sách họ làm, biến đó thành bài học và thực hành. Thứ hai, hãy trở nên vượt trội, làm chủ những gì mình làm, tư duy cách thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Cuối cùng là hãy coi thách thức như cơ hội, không phải lý do để mất tinh thần. Những người chịu đổi mới và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn về nguồn lực sẽ thu được nhiều kinh nghiệm và phát triển các kỹ năng mới giúp họ vượt qua những thử thách khó khăn hơn nhưng chắc chắn luôn xảy ra khi họ thăng tiến trong sự nghiệp", Tổng giám đốc ZaloPay đưa lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.