Bí quyết ứng phó với cướp

01/09/2015 07:27 GMT+7

Làm gì khi phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà mình? Cách xử trí nếu không may bị cướp khống chế?...

Làm gì khi phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà mình? Cách xử trí nếu không may bị cướp khống chế?... 

Thiếu tá Bùi Thái Đức hướng dẫn người dân cách phòng chống trộm - Ảnh: Như Lịch
Thiếu tá Bùi Thái Đức, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an TP.HCM, đã chia sẻ những thông tin hữu ích giúp bạn trẻ và người dân phòng chống trộm cướp.
Thủ phạm chính là sự sơ hở
Thiếu tá Bùi Thái Đức thông tin: Trong 6 tháng đầu năm 2015, tại TP.HCM xảy ra 2.870 vụ phạm pháp hình sự, trong đó trộm cắp là 1.636 vụ (chiếm 57%). Riêng số vụ trộm xe máy là 861 vụ, gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng.
Trong buổi nói chuyện chuyên đề diễn ra tại TP.HCM gần đây, thiếu tá Bùi Thái Đức nhận định: Hầu hết những vụ trộm cướp đều xuất phát từ sự sơ hở, chủ quan của nạn nhân.
Chiếu những hình ảnh thu thập được từ các vụ án, thiếu tá Đức nêu hàng loạt dẫn chứng cho thấy sự hớ hênh của chủ tài sản. Chẳng hạn, chủ nhà treo chùm chìa khóa gần cửa sổ, vô tình tiếp tay cho kẻ trộm. Các cô gái lơ là với giỏ xách lấy từ cốp xe ra. Chủ nhà dùng thiết bị đóng cửa cuốn, nhưng cửa chưa khép hẳn đã vội bỏ đi, khiến kẻ trộm ung dung chui vào cuỗm mất xe máy…
Thiếu tá Đức lưu ý: “Khi về đến cổng, nếu phát hiện trộm đã ở sẵn trong nhà thì không nên la toáng lên, bởi chúng thường mang theo vũ khí. Chúng ta có thể giả bộ làm người khách đến hỏi thăm về chủ nhà rồi nhanh chóng rút đi. Sau đó mới tìm cách báo công an, tìm kiếm trợ giúp từ hàng xóm...”.
Còn lúc mình đang ngủ, trộm đi vào phòng thì phải làm sao? Theo thiếu tá Đức, lúc đó ta nên giả vờ ngủ tiếp hoặc trở mình nói mớ hoặc ngáy… nhằm đảm bảo tính mạng của mình trước hết.
Cũng theo ông Đức, trường hợp bị cướp khống chế lúc đang đi đường thì cần phải giữ bình tĩnh, rút và vứt chìa khóa cho xe không nổ máy. Tiếp đó, thực hiện yêu cầu của đối tượng và không nên gây sự đối kháng. Đặc biệt, cần quan sát kỹ về đặc điểm nhận dạng đối tượng (vóc dáng, giọng nói, đặc điểm riêng), vũ khí, phương tiện, số xe… Thiếu tá Đức nhấn mạnh: “Khi bọn cướp đã đi thì phải giữ nguyên hiện trường, không làm xáo trộn mọi dấu vết, vật chứng. Và ngay lập tức thông báo cho cơ quan công an gần nhất”. Ông cũng lưu ý phải “giữ nguyên hiện trường” trong những tình huống khác như thấy đồ đạc trong nhà bị “đạo chích” lục tung.
Cảnh giật túi xách dã man ngay trước nhà nạn nhân ở TP.HCM - Ảnh: cắt từ video
“Tôi cũng là nạn nhân”
Thiếu tá Bùi Thái Đức cho hay kẻ trộm sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để nắm bắt tình hình chủ nhà. Trong đó, có cả việc đóng vai những người đi nhét tờ rơi. Nếu thấy nhà nào có những tờ rơi vẫn nằm nguyên ở cửa chính thì chúng dễ dàng suy đoán gia chủ vắng nhà nhiều ngày, từ đó sẽ nhanh chóng ra tay. Mặt khác, có những trường hợp chủ nhà tự “tố cáo” mình đã đi vắng, vì trong nhà tuy sáng đèn nhưng lại khóa bên ngoài...
“Các đối tượng thường đi từ 2 đến 4 tên, chở nhau chạy rảo quanh các tuyến đường. Khi phát hiện cửa hàng, cửa hiệu, nhà mở cửa, xe máy để sơ hở không người trông giữ, các đối tượng sẽ dùng đoản, khóa vạn năng để mở khóa trộm xe”, thiếu tá Đức cảnh báo. Ông nói thêm: “Lúc đêm khuya, khi phát hiện nhà vắng chủ hoặc nhà không khóa cửa, khóa không cẩn thận, các đối tượng dùng xà beng, kềm cộng lực, cắt, bẻ khóa, cạy cửa...”. Do vậy, thiếu tá Đức khuyên mọi người nâng cao cảnh giác phòng ngừa trộm cướp, không nên tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm (như chạy xe đắt tiền, đi đêm khuya ở những con đường vắng vẻ…).
“Giá như tôi nghe được chuyên đề này sớm hơn thì đỡ biết mấy!”, thạc sĩ tâm lý trẻ Đào Lê Hòa An (ngụ Q.1, TP.HCM) thốt lên. Anh cho biết cách đây chừng nửa tháng, nhà anh bị trộm đột nhập ngay giữa ban ngày lấy mất 300 triệu đồng. Kẻ trộm canh đúng lúc nhà anh đi làm hết, cửa khóa bên ngoài và nhà bên cạnh cũng đi vắng. Thạc sĩ Hòa An và nhiều người dân tỏ ra rất tâm đắc trước những lời tư vấn của thiếu tá Bùi Thái Đức: Nên dùng ổ khóa trong (ở vị trí hơi cao hoặc hơi thấp so với lỗ cửa) để kẻ trộm không biết mình vắng nhà, bất đắc dĩ mới để tiền ở nhà và nếu để thì phải chia nhỏ ra cất giấu…
Từ kinh nghiệm của chính mình, thạc sĩ Hòa An cảnh báo: “Cần phải có biện pháp phòng ngừa, không tạo ra sơ hở từ bản thân. Trên thực tế, sau khi bị mất trộm, tôi và nhiều chủ nhà khác rất khó lấy lại tài sản và chứng minh số tài sản mình đã bị lấy mất, bởi đâu phải tài sản nào cũng có hóa đơn chứng từ”.
Ý kiến
Từng bị giật dây chuyền
Từ nay, chúng tôi sẽ dùng những ổ khóa bên trong thay cho khóa ngoài. Tôi cũng từng bị giật dây chuyền, nên hạn chế đeo nữ trang hoặc có đeo thì che chắn kỹ lưỡng.
Nguyễn Thị Như Thảo (25 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM, bán hàng tại nhà)
Trước hết là tìm cách thoát thân
Xem những video quay cảnh lấy trộm xe máy chỉ trong vài giây, tôi thấy bản thân mình cần nâng cao cảnh giác và trang bị thêm một số loại khóa an toàn cho xe. Mặt khác, tôi học được kinh nghiệm: Khi trộm vào nhà, nếu mình yếu thế thì không nên chống cự mà cần nhanh chóng khóa cửa phòng và tìm cách thoát thân trước đã.
Tống Thị Tuyền (32 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM, nhân viên văn phòng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.