Dư luận lại bức xúc việc nhiều phụ nữ Việt Nam bị Singapore từ chối nhập cảnh. Nhiều người giận dữ vì cảm thấy quốc thể bị sỉ nhục, muốn có hành động trả đũa, thậm chí kêu gọi tẩy chay du lịch Singapore.
Khách xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh tại nhà ga số 1, sân bay Changi của Singapore. Nhiều người cho rằng quyết định cho khách nhập cảnh hay không tùy thuộc vào “cảm hứng” của các nhân viên ở đây - Ảnh: Thục Minh
|
Bình tĩnh lại, thấy không phải vô cớ mà họ hành xử như vậy. “Con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cả bầy sâu thì nồi canh phải đổ bỏ. Tại sao họ chỉ phân biệt đối xử với phụ nữ, và chỉ phụ nữ Việt Nam? Những người mà lâu nay chúng ta luôn hết lời ca tụng bởi những phẩm chất tuyệt vời?
Chắc chắn là có vấn đề. Tôi đã giận tím mặt khi cả đoàn doanh nghiệp Việt Nam, từng du lịch khắp thế giới nhưng vẫn bị hải quan cửa khẩu Aranyaprathet (Thái Lan, giáp với Poipet, Campuchia) buộc từng người phải cầm 700 USD lên để chụp hình trước bàn dân thiên hạ. “Bảng phong thần” danh sách các nước bị hạn chế nhập cảnh vào Thái Lan có tên Việt Nam to tướng được dựng ngay cửa khẩu. Vậy mà lâu nay lãnh đạo không nghe, không biết. Về nước, anh em phản ứng dữ dội, báo chí nhập cuộc, Tổng cục Du lịch và Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm. Người Thái thừa nhận sai sót, bỏ thủ tục chụp ảnh, dẹp bảng phong thần nhưng không chịu xin lỗi và Việt Nam vẫn nằm trong “Black list” (tạm dịch là Danh sách đen) của họ. Chỉ khác là để trong bàn làm việc của cửa khẩu chứ không trương ra ngoài. Tìm hiểu mới hay là họ làm vậy để đối phó việc hàng ngàn người Việt qua Thái lao động bất hợp pháp, mang theo nhiều tệ nạn xã hội.
Cách hành xử của Singapore là vơ đũa cả nắm nhưng đừng vội trách họ. Có người đòi giải thích rõ ràng, theo tôi càng bất lợi. Dù không cho phép mại dâm công khai như Thái Lan nhưng Singapore có khu Geylang biệt lập và sầm uất không thua phố đèn đỏ ở Amsterdam (Hà Lan). Rất nhiều “Bướm đen” (vì toàn mặc đầm đen) người Việt lượn lờ ngã giá, bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh ba rọi. Có người đòi tẩy chay du lịch Singapore, cũng không có lợi và rất khó thực hiện. Bởi sự hấp dẫn, thoải mái, giá cả hợp lý và những điều thú vị thu thập được từ chuyến đi.
"Bướm đen" tại khu Geylang ở Singapore - Ảnh: Độc Lập
|
Quyết liệt hơn, có người đề nghị thay vì mang tiền ra cho nước ngoài, còn bị phân biệt đối xử, nên “người Việt dùng hàng Việt”, ủng hộ du lịch nội địa. Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hơn chục di sản thế giới phi vật thể, còn Singapore chẳng có cái nào. Diện tích chỉ bằng 1/460, dân số bằng 1/17 Việt Nam nhưng đón gấp 1,7 lần lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Số nước miễn visa cho Singapore là 167 (thứ 2 châu Á, sau Nhật Bản) còn Việt Nam là 45 (thứ 10 ASEAN, thua cả Lào và Campuchia). Nhà nước cũng khuyến khích dân Việt du lịch nước ngoài bằng thuế suất 0% còn du lịch nội địa là 10%. Qua Singapore, chỉ một số phụ nữ bị làm khó dễ ở cửa khẩu, còn vào rồi thì được đón tiếp niềm nở trân trọng. Còn du lịch trong nước, bị chặt chém tơi tả, bị đối xử ghẻ lạnh, dù không phải tất cả. Hơn thế, chất lượng dịch vụ, an ninh xã hội, giao thông, vệ sinh thực phẩm và môi trường đều kém xa nên rất nhiều người Việt, dù yêu nước nồng nàn cũng “bỏ của chạy lấy người”.
Khôn ngoan nhất là mềm mỏng thuyết phục họ thay đổi và nghiêm khắc nhìn lại mình, chấn chỉnh từ trong nước, chặn đứng nạn xuất khẩu tệ nạn. Người Việt phạm pháp ở nước ngoài phải bị xử phạt gấp đôi vì làm nhục quốc thể. Trong nhà còn nhiễu nhương, hỗn loạn thì khó tránh khỏi thiên hạ khinh khi. Lãnh đạo thiếu gương mẫu, pháp luật chưa nghiêm minh nên người dân mất niềm tin, là điều kiện cho tệ nạn sinh sôi. Quản lý lỏng lẻo, bất cập, không có bất kỳ động thái nào chặn đứng việc xuất khẩu tệ nạn thì hậu quả khôn lường. Nếu không có cách khắc phục hiệu quả, e rằng sắp tới, người Việt ra nước ngoài không chỉ bị Thái lan, Singapore làm khó dễ khi nhập cảnh mà sẽ lây lan sang những nước khác. Coi chừng cả Lào và Campuchia cũng làm vậy với người Việt thì chỉ còn biết độn thổ vì quá xấu hổ.
Bình luận (0)