Bí sử dòng họ - Kỳ 4: Năm cha con tài hoa họ Nguyễn

08/01/2015 04:24 GMT+7

Trong số ít các sử liệu về nhà Tây Sơn còn đến nay có các tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán, chữ Nôm của cha con tú tài Nguyễn Văn Khuê.

Trong số ít các sử liệu về nhà Tây Sơn còn đến nay có các tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán, chữ Nôm của cha con tú tài Nguyễn Văn Khuê.

Ngày nay, con cháu cụ Tú Khuê sống ở thôn Vân Sơn, thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định và thôn Bính Đức, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn. Từ đường của gia tộc ở thôn Đại Hòa nhưng gia phả và các tư liệu về dòng tộc lại do ông Nguyễn Đình Cao (48 tuổi, thôn Vân Sơn), cháu 5 đời của cụ Khuê cất giữ.
Văn hay để quan trường chấm uổng
Theo ông Cao, cụ Tú Khuê (1825 - 1896) có 4 người con trai là Nguyễn Bá Huân (1853 - 1915), Nguyễn Trọng Trì (1854 - 1922), Nguyễn Thúc Mân (1858 - 1896) và Nguyễn Quý Luân (1859 - 1911). Cả nhà không học thầy nào, chỉ cha dạy con, anh dạy em mà thành tài. Lúc cụ Khuê còn nhỏ, gia đình nghèo nên cụ ban ngày làm lụng giúp cha mẹ, ban đêm mượn sách vở của bạn bè về tự học. Năm 20 tuổi, cụ thi đỗ tú tài nhưng liên tiếp 5 khóa sau, mất cả thảy 18 năm, vẫn không đậu được cử nhân.
Ông Cao kể: Ông Nguyễn Bá Huân, tên trong gia phả là Nguyễn Văn Chĩnh, thông minh từ nhỏ, học đâu nhớ đấy. Năm 14 tuổi, ông Huân thi tú tài không đỗ, thi tiếp hai khóa sau cũng rớt. Ông nản việc thi cử nhưng mọi người khuyên can nên tiếp tục thi khoa năm 1876. Lần này, ông không mang lều chõng, giấy bút mà đem bầu rượu vào trường thi rồi lãnh giấy bút làm bài. Bài làm xong, ông rót rượu uống, đọc lại bài rồi vỗ đùi nói: “Văn hay thế này để quan trường chấm uổng”. Ông tự mình chấm, đọc một câu tự thưởng một chén rượu. Cứ thế cho đến khi say lăn ra ngủ... và tiếp tục thi hỏng khoa này. Từ đó, ông bỏ hẳn việc thi cử, tính tình trở nên ngang bướng, ngông cuồng. Tuy nhiên, ông chỉ ngạo nghễ với kẻ cậy tài cậy thế, hách dịch, chứ với người tài đức, lương dân thì vô cùng kính cẩn nên nhiều người yêu mến.
Ông Nguyễn Trọng Trì đậu cử nhân tại trường thi Bình Ðịnh năm 22 tuổi nhưng không tiếp tục thi hội. Hai năm sau, triều đình Huế bổ nhiệm ông làm quan. Vua Kiến Phúc băng hà, ông thấy triều chính đổ nát, bất lực trước giặc Pháp nên bỏ về quê mở trường dạy học. Ông Nguyễn Thúc Mân 10 tuổi biết làm thơ, 12 tuổi rành thi pháp. Ông Nguyễn Quý Luân 12 tuổi đã có thơ hay. Cả năm cha con đều làm thơ nên thường xuyên ra vần, đối ẩm với nhau. Khách ở xa nghe tiếng đến thăm, thử tài đều nể phục.
Cởi áo cho bạn giữa chợ
Các ông Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân tham gia phong trào Cần Vương tại Bình Định (năm 1885), được giao những chức vụ quan trọng. Còn cụ Tú Khuê do tuổi già sức yếu nên phải ở nhà. Người con thứ 3 là Nguyễn Thúc Mân cũng ở nhà dạy học, chăm sóc cha già. Khi phong trào Cần Vương thất bại, ba anh em ông Huân phải lánh nạn gần 10 năm mới về lại Vân Sơn. Tuy nhiên, vài tháng sau thì ông Mân lâm bệnh chết, cụ Tú Khuê cũng đau buồn mà qua đời.
Gần 20 năm ròng, ông Huân đóng cửa ở nhà uống rượu, đọc sách, chữa bệnh và ít giao du với người ngoài. Một đêm, ông Huân ngồi uống rượu, hát vở tuồng Diễn Võ Đình một mình. Hát rồi mang bầu rượu, một bó nhang, cặp đèn sáp và đội chiếc ghế dài ra ngoài gò cạnh nhà tế Trần Quang Diệu, đô đốc của nhà Tây Sơn. Tế xong, ông ngồi uống rượu rồi lên ghế nằm ngủ. Nửa đêm, ông bật dậy hét một tiếng và gục xuống, qua đời.
Ông Nguyễn Trọng Trì đem vợ con về quê mẹ ở Bính Đức, mở trường dạy học. Năm 1897, cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên do Võ Trứ, Trần Cao Vân lãnh đạo thu hút nhiều nghĩa sĩ tham gia. Đề phòng Nguyễn Trọng Trì tham gia khởi nghĩa, chính quyền bắt giam ông ở thành Bình Định gần một năm. Ra tù, ông đi nhiều nơi vùng An Nhơn, Tây Sơn thăm học trò, con cái...
Ông Cao kể tiếp: Có một năm, học trò góp tiền mua cho cụ Trì chiếc áo để mặc tết. Cụ lên An Thái, gặp vợ góa một đồng chí hy sinh trong phong trào Cần Vương liền hỏi về gia cảnh. Người đàn bà nước mắt chảy dài, trả lời: “Gần tết mà chưa có chút gì để cúng ông bà và cho con ăn trong ba bữa”. Cụ Trì nghe nói ứa nước mắt, cởi ngay chiếc áo vo gọn bỏ vào giỏ của bà rồi nói: “Chị bán đi mà sắm tết”. Nói xong, cụ Trì mình trần lẩn vào đám đông người giữa chợ đi mất.
Ông Diệp Trường Phát, tức ông Tàu Sáu (võ sư sáng lập ra phái võ Bình Thái Đạo) nhà ở gần đó vốn nể trọng cụ Trì nhìn thấy liền đón về nhà, lấy chiếc áo mới may của mình mời cụ mặc tạm. Mặc chiếc áo rộng thình, cụ Trì nói đùa: “Thật Tàu không ra Tàu, ta không ra ta”. Mọi người bật cười. Ông Tàu Sáu giữ cụ Trì ở lại rồi hối vợ mua vải may áo vừa vặn cho cụ. Cụ Trì mất năm 68 tuổi, mộ táng tại thôn Tân Ðức, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn.
Làm thơ ca ngợi nhà Tây Sơn
“Năm cha con cụ Tú Khuê có nhiều tác phẩm thơ văn bằng chữ Hán, chữ Nôm được lưu truyền đến ngày nay. Cụ tú Nguyễn Văn Khuê viết tập thơ Vân Sơn nhàn vịnh, tập văn Tây Sơn nhân vật ký. Nguyễn Bá Huân có Cân quắc anh hùng truyện viết về bà Bùi Thị Xuân và các nữ tướng Tây Sơn, Tây Sơn tiềm long lục viết về giai đoạn đầu khởi nghĩa Tây Sơn, Tây Sơn văn thần liệt truyện, Bình Định hào kiệt truyện. Nguyễn Trọng Trì có Tây Sơn danh tướng chinh nam, Tây Sơn lương tướng ngoại truyện... Cha con trong một gia đình nho học sống dưới triều Nguyễn mà viết thơ, văn ca ngợi nhà Tây Sơn là rất hiếm và nếu lộ ra có thể nguy hiểm đến tính mạng, dòng họ”.
Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.