Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng: Cuốn niên lịch cuối cùng của nhà Nguyễn

29/11/2012 03:25 GMT+7

Theo nhận định của PGS-TS Lê Thành Lân thì đây là “một di sản có giá trị văn hóa, lịch sử của nhà Nguyễn rất đáng lưu giữ và trân trọng”.

Đặc biệt hiếm

Ngày xưa, hằng năm, lịch quan dựa theo các cuốn Vạn niên thư (hay còn gọi là Vạn niên lịch, một loại lịch được tính cho nhiều năm, thậm chí cả 100 năm, mang tính khoa học cao - PV) rà soát kỹ lại lịch năm tới, tính thêm các ngày tốt, xấu, tiết khí, giờ chuyển tiết… sau đó trình lên vua. Lịch được duyệt thì đem khắc in gọi là niên lịch để cuối năm, nhà vua thay trời đất ban bố lịch cho quan dân dùng, ban tiết khí cho dân cấy cày. Niên lịch có 3 loại: loại dùng cho dân, loại ban cho các quan và loại dùng trong hoàng tộc.

 Ở các cột tháng có in dài hơn và dùng màu đỏ để ghi các ngày Quốc lễ
Ở các cột tháng có in dài hơn và dùng màu đỏ để ghi các ngày Quốc lễ - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Hiện tại, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ nhiều cuốn niên lịch của các triều đại cũ, trong đó có lịch của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, nếu so sánh, cuốn niên lịch vừa được gửi tặng Bảo tàng Đà Nẵng quả là đặc biệt. Ở bìa ngoài, cuốn niên lịch in dòng chữ: Đại Nam Bảo Đại nhị thập tuế thứ Ất Dậu Hiệp kỷ lịch. Đây là cuốn lịch năm Ất Dậu, Bảo Đại thứ 20, tức năm 1945, năm cuối cùng của nhà Nguyễn. Theo nghiên cứu của PGS-TS Lê Thành Lân, điều đặc biệt đầu tiên là trang bìa cuốn lịch này có một con dấu vuông màu đỏ đã nhạt khắc 4 chữ “Đại Nam chi bảo”, khác hoàn toàn với những cuốn niên lịch đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như  các cuốn lịch có trong tay của các nhà sưu tầm lịch. Ở trang 1 và 2 là 24 ngày Khí ở Phủ Thừa Thiên - Đô thành nhà Nguyễn, ghi rõ ngày theo lịch m và can chi. Các cột tháng giêng, hai, năm, chín, mười, chạp có in dài hơn và dùng màu đỏ để ghi các ngày Quốc lễ. Như ngày mồng 2 tháng năm là ngày Hưng Quốc - ngày vua Gia Long lên ngôi. Những chi tiết này khá hiếm gặp ở các thư tịch cổ.

Không chỉ vậy, ở các trang liệt kê ngày tháng trong năm có ghi các ngày kỵ của của các vị chúa, từ Nguyễn Kim cho đến Nguyễn Phúc Thuần, các vị vua từ Gia Long cho đến Khải Định và một số hoàng thái hậu. Miếu hiệu của các vị vua, chúa, hoàng thái hậu cũng được in dài lên phía trên khung lịch, thẳng với ngày kỵ. Đơn cử như cột chữ “Gia Dụ Hoàng Đế Trường Cơ lăng kỵ thần” ở phía trên ngày mồng 3 tháng sáu cho ta biết chúa Nguyễn Hoàng mất ngày đó và táng tại lăng Trường Cơ. Hay “Thế cổ Cao Hoàng Đế Thiên Thụ lăng kỵ thần” ghi phía trên ngày 19 tháng chạp là ngày mất của vua Gia Long táng tại lăng Thiên Thụ.

Từ những nghiên cứu căn cứ trên sự nghiêm cẩn khi soạn thảo và in ấn, cũng như những thông tin nổi trội của cuốn niên lịch này so với những cuốn lịch Hiệp kỷ khác đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt là các ngày kỵ của vua chúa nên PGS-TS Lê Thành Lân đã khẳng định đây là cuốn lịch đã được phát cho những người trong hoàng tộc. Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, cuốn lịch này còn lưu giữ đến nay là đặc biệt hiếm.

Chỉ hiến tặng

Điều khá thú vị là hiện tại cuốn niên lịch quý giá này vừa được nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Bá Lân hiến tặng Bảo tàng Đà Nẵng. Khi được hỏi về quyết định hiến tặng, nhà sưu tập Nguyễn Bá Lân chia sẻ: “Cũng đã có nhiều người cho rằng tại sao tôi không hiến tặng cuốn niên lịch này cho các bảo tàng khác, như Bảo tàng Huế, hay giữ lại làm kỷ niệm riêng. Thực ra, tôi đã sống và gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ đến lớn với bao thăng trầm. Bảo tàng Đà Nẵng vốn cũng còn mới mẻ, tôi muốn hiến tặng lại đây món quà thật giá trị, có ý nghĩa cả về văn hóa và lịch sử với hy vọng góp phần nhỏ để xây dựng bề dày văn hóa nơi vùng đất này”.

Nhà sưu tập Nguyễn Bá Lân cho biết cách đây 5 năm, anh có cơ hội được sở hữu cuốn niên lịch quý giá này từ một người bạn ở Huế. Dù là người sưu tầm lâu năm với hơn 100 món cổ vật quý giá ở nhiều chủng loại đa dạng như đồ gốm sứ, đồ đồng qua các thời kỳ nhưng anh Lân đặc biệt thích cuốn niên lịch này. Trước khi có duyên hạnh ngộ với anh, cuốn lịch đã từng trải qua nhiều biến cố, từng bị ngâm dưới nước lụt của Huế. Nhưng rất may người sở hữu cuốn lịch trước đây đã rất tâm huyết nên bằng mọi cách đã kịp thời “cứu” nó, ông đã lần gỡ từng trang đem phơi, sấy và là nhẹ rồi đóng lại. Sự tỉ mỉ và cẩn trọng ấy khiến thoạt mới nhìn vào, con dấu màu đỏ ở bìa cuốn niên lịch tuy đã phai nhạt ít nhiều nhưng nếu không biết chắc hẳn ít ai ngờ nó đã trải qua biến cố vậy. Dù đã có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua lại cuốn niên lịch cuối cùng của nhà Nguyễn vốn được dùng trong hoàng tộc này nhưng anh Lân nhất quyết không bán, để rồi cuối cùng quyết định hiến tặng nó.

Hơn 20 năm sưu tầm, trong bộ sưu tập của anh Lân hiện có nhiều món cổ vật quý giá. Anh thích nhất là cái nghiên mài mực bằng gốm Chu Đậu, rất ít gặp trong những bộ sưu tập đồ cổ gốm Chu Đậu. Các tượng Champa cũng là niềm đam mê sưu tập, tìm tòi nghiên cứu của anh. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu và sưu tập tranh, bộ sưu tập tranh của anh đã được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao. Công việc chuyên môn khá bận rộn nhưng các sự kiện văn hóa liên quan tới cổ vật, anh đều rất quan tâm tìm hiểu. Bởi với anh, đó là niềm vui, một góc riêng của tâm hồn khiến cuộc sống thêm ý vị hơn.

Vũ Phương Thảo

>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Nhà sưu tập không... tiền
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.