Bị sưng bàn chân, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
19/03/2022 00:08 GMT+7

Bàn chân và mắt cá chân có chức năng nâng đỡ trọng lượng và giữ thăng bằng cơ thể. Bất kỳ cơn đau nhức hay sưng bàn chân nào cũng đều ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống người bệnh.

Một trong những nguyên nhân gây sưng bàn chân thường gặp nhất là do đứng lâu, vận động nhiều hay chấn thương khi tập luyện thể thao, mang vác vật nặng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bàn chân bị sưng có thể do chấn thương nhưng cũng có thể do phù nề

SHUTTERSTOCK

Thông thường, cách điều trị cho những trường hợp sưng chân là nghỉ ngơi, xoa bóp, tránh các vận động ảnh hưởng đến bàn chân. Tuy nhiên, sưng bàn chân cũng có thể do một số vấn đề nghiêm trọng hơn.

Sưng bàn chân đôi khi là triệu chứng của phù nề bàn chân. Đây là tình trạng mà chất lỏng dư thừa bị giữ lại trong các mô. Phù nề thường xảy ra ở bàn chân và mắt cá chân vì chất lỏng dư thừa trong cơ thể sẽ bị trọng lực tác động và dồn về nơi thấp nhất.

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chất lỏng trong cơ thể và lọc chất thải ra khỏi máu. Phù nề là triệu chứng thường gặp khi chức năng thận bị suy giảm do viêm nhiễm hay bệnh tật.

“Khi thận gặp vấn đề, cơ thể sẽ gặp khó đào thải chất lỏng dư thừa. Điều này khiến tình trạng phù nề trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn”, tiến sĩ Britt Marcussen, chuyên gia y học gia đình tại Đại học Y khoa Iowa Carver (Mỹ), cho biết.

Nếu phù nề nghiêm trọng đến mức khi dùng ngón tay ấn vào mà để lại vết lõm thì cần phải đến gặp bác sĩ ngay. Trong trường hợp phù nề không nghiêm trọng nhưng kéo dài suốt vài ngày, chỉ ảnh hưởng một bàn chân hoặc kèm theo đau, da đổi màu thì cũng phải đến bác sĩ kiểm tra, theo Healthline

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.