Bị 'thôi miên' bởi tập thơ tình song ngữ Việt - Tày

12/02/2016 10:48 GMT+7

Chạm mắt vào bản thảo song ngữ “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày), tôi thực sự bị cuốn hút, bị "thôi miên", bị dẫn dụ đến mê muội ngay từ lời đề từ “Xin thưa” (Xo chiềng) cho tập thơ song ngữ Việt - Tày.

Chạm mắt vào bản thảo song ngữ “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày), tôi thực sự bị cuốn hút, bị "thôi miên", bị dẫn dụ đến mê muội ngay từ lời đề từ “Xin thưa” (Xo chiềng) cho tập thơ song ngữ Việt - Tày.

Tâp thơ tình song ngữ Việt - Tày đầu tiên của Y Phương Tâp thơ tình song ngữ Việt - Tày đầu tiên của Y Phương
“Khi chưa có tình yêu
Con người chỉ là từng hạt thóc riêng lẻ
Có tình yêu rồi
Con người mới trở thành cơm nghi ngút trắng”
(Pửa xằng mì slim điếp
Tuô cần tồng khẩu cóc táng lé
Mì slim điếp dá
Tuô cần chắng pền pát khẩu khao)
Thế là sau gần 9 năm tập thơ song ngữ đầu tiên “Thất tàng lồm” (Ngược gió, 2006) ra đời, bạn đọc thỏa nỗi chờ mong đón “Vũ khúc Tày” - tập thơ song ngữ Việt - Tày thứ hai và tập thơ tình song ngữ đầu tiên của Y Phương. Sau cảm giác rỗng ruột vắt kiệt mình cho trường ca “Chín tháng” và “Đò trăng”, người con trai làng Hiếu Lễ không cho phép dừng bút dù bất cứ lý do nào, bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả chân chậm, mắt mờ, đêm đêm chỉ còn “chân gác chăn”; tâm trạng bải hoải mệt mỏi “Bung buồn”, “Cô đơn lên chót vót”, “Nhai đau”...
Phải viết, phải viết… đó là mệnh lệnh trái tim cất lên những hồi róng riết. Thế là “bầu khí quyển thơ” Y Phương trở lại với 108 bài thơ đầy đặn, nói đúng hơn là 108 bài thơ tình yêu nồng ấm yêu thương tung tẩy, quậy cựa như “một bầy ngựa hoang”, “ngùn ngụt núi lửa”, “trùng điệp nhớ”, “giông bão chờ”…
Có lẽ điều kỳ diệu trong thơ tình Y Phương nói chung và “Vũ khúc Tày” nói riêng chính là nội lực yêu, cường độ yêu phập phồng, quậy cựa đến tận cùng sinh nở. Nếu như trong các tập thơ trước, anh mới rón rén thả thơ tình (có khi là bài, có khi chỉ là câu) trải vào các tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng”, “Lời chúc”, “Đàn then”, “Chín tháng”, “Thơ Y Phương”, “Thất tàng lồm”, “Đò trăng”… Đến “Tuyển thơ Y Phương”, vượt qua sự dè dặt, anh dành một phần “Những người đội rượu” cho thơ tình, nhưng phải đến “Vũ khúc Tày”, cảm xúc ùa ập, tràn trào như núi lửa phun trào nham thạch, anh “trình làng” cả một tập thơ trọn vẹn 100% thơ tìnhVâng, 108 bài thơ tình rút từ “kho thơ yêu vô tận” của một nhà thơ sắp bước vào cái ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Thật cảm phục. Thế mới biết “tình yêu không tuổi, ngàn đời vẫn xanh”. Có lẽ vì thế mà bạn đọc không lạ khi Y Phương tâm đắc câu ca: “Người ta có thể no đủ vật chất nhưng lại luôn đói khát tình yêu”. Có ai đó đã nói “yêu là để sống thêm một cuộc đời khác nữa” rất trùng với suy nghĩ của anh trong bài thơ “Vu vơ người”:
“Yêu nghĩa là sống
Nhân lên trăm ngàn lần
Sống nghĩa là sung sướng
Sung sướng nghĩa là dâng mình cho tình yêu”
Trái tim yêu Y Phương luôn vịn vào thơ và tình yêu như chính quan niệm về thơ: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ”. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng “về sau sỏi đá cũng cần có đôi”, thì Y Phương cũng luôn xoắn bện thơ với tình yêu thành... cặp như anh với em, như cây với đất, như bến với thuyền... Anh lý giải thời gian 12 tháng vận chuyển “bướm ong còn làm bạn với hoa” huống chi con người. Một mệnh lệnh thức yêu:
“Hãy yêu thương nhau, xin đừng nhìn như vỏ trấu”
(Hỡi con người)
Với Y Phương, thơ và tình yêu luôn song hành, cộng hưởng như trai gái “phải lòng nhau”, là một “cặp bài trùng”, một “cặp đôi hoàn hảo” để tình yêu thăng hoa cho thơ và và đến lượt mình thơ kỳ diệu hóa tình yêu thành một loài “Hoa bất tử”.
Đúng là tạo hóa sinh hoa cỏ cho mùa xuân. Sinh đàn bà để cho đàn ông… Y Phương là người sinh ra để yêu, để làm thơ, để ca ngợi vẻ đẹp của đàn bà và tình yêu. Sẽ không lạ sắc màu chủ đạo trong “Vũ khúc Tày” là màu… yêu với đầy đủ những gam màu, những cung bậc. Tình yêu là bạn đồng hành của nỗi nhớ. Thơ đốt lòng cho nỗi nhớ khắc khoải: “Ta nhớ em đến chín - Ta nhớ em đến sống - Ta quên mình đang thai”... để rồi chỉ còn biết “đổi nỗi nhớ em” và “Tiếp tục đếm tóc chờ” (Gửi người vào chốn rừng sâu).
Không chỉ là tín đồ “tử vì đạo”, anh còn là tín đồ “tử vì đẹp”. Ta bắt gặp trong “Vũ khúc Tày” là kẻ mê say, săn tìm cái đẹp một cách hồn nhiên. Hồn nhiên và thành thật, ấy là thơ anh. Giàu cảm xúc trước cái mới, cái đẹp, ấy là con người anh. Trân trọng tôn vinh phụ nữ, ấy là phẩm chất của anh… Thơ tình Y Phương xây dựng nhiều thi tứ, nhiều thi ảnh đẹp, độc đáo tràn đầy yêu thương về người phụ nữ. Cái đẹp tỏa và sống động trong từng con chữ “sinh nở”, “cựa quậy”, “phập phồng”... Tác phẩm của anh một cách tự nhiên đã nói lên một phẩm chất truyền thống của văn hóa Việt là tôn trọng và đề cao phụ nữ:
“Người đàn ông tựa lưng vào người đàn bà
Người đàn bà tựa lưng vào biển cả”
Xâu chuỗi trong tất cả những bài thơ tình của anh, người phụ nữ có cái tên rất chung mà cũng rất riêng, là “EM”. Có lúc anh ví người phụ nữ yêu là sen tôn quý, ngoài vẻ đẹp trong sáng chính là đức hy sinh. 
“Vũ khúc Tày” đã góp phần hoàn chỉnh sự nghiệp văn chương của Y Phương, mang đến cho bạn đọc một vẻ đẹp mới từ những góc nhìn mới về văn hóa dân tộc và nhà thơ Tày Hứa Vĩnh Sước - Y Phương đã và sẽ tiếp tục chinh phục những người yêu thơ, yêu nền văn hóa Tày rực rỡ, độc đáo, tràn đầy sức sống một cách tự nhiên.
Tôi như thấy “Vũ khúc Tày” mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương, ấm nồng màu tình yêu, ngọt ngào hương cánh đồng con gái… Trên từng con chữ bỗng nghe có thanh âm trong trẻo của giọt đàn, của “vũ điệu nàng Hai”, của “câu hát Hà Lều” rất... ngọt rằng: “Ta yêu nhau sinh ra nhau em ơi”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.