Bí thư Bình Định: Một số lãnh đạo mới bổ nhiệm đã gây khó dễ, sách nhiễu

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
04/01/2023 22:43 GMT+7

Chiều 4.1, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Giao chỉ tiêu phát triển cho từng sở, ngành, địa phương

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, năm 2022, tất cả 19/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57% , cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp…

Trong năm 2023, tỉnh này đặt 19 chỉ tiêu chủ yếu và 8 chỉ tiêu khác, trong đó có: GRDP tăng 7,0 - 7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.600 triệu USD, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 13.650 tỉ đồng (trong đó, thu nội địa 12.558,5 tỉ đồng), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 1,8%...

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định giao chỉ tiêu phát triển cho từng sở, ngành, địa phương

hoàng trọng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết từ năm 2023 trở đi, tỉnh này giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho từng sở, ban, ngành, địa phương làm cơ sở đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành sau này.

Sau đó, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố ký giao ước thi đua. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định trao quyết định giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 cho các sở, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị

hoàng trọng

Kiên quyết xử lý lãnh đạo có “sân trước, sân sau”, có "dư luận"

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đề nghị UBND tỉnh này và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, kịch bản cụ thể, chi tiết và có tính khả thi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu được giao.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các cán bộ lãnh đạo tỉnh, địa phương, sở, ngành rà soát, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế và nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục… để thông suốt từ trên xuống dưới. Các lãnh đạo sở, ngành, địa phương đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới và bám sát cơ sở, địa bàn, từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Ông Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị

hoàng trọng

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Bình Định vừa họp, trong đó đặt vấn đề tập trung xử lý phòng chống tiêu cực. Trước nhất là kiên quyết thay đổi các vị trí việc làm, những vị trí "có dư luận". Nếu những vị trí theo quy định phải thay đổi mà giám đốc sở không thay đổi thì giám đốc sở đó chịu trách nhiệm, coi như đó là hành vi tiêu cực.

“Bây giờ dư luận lại nói, một số cán bộ lãnh đạo mới được bổ nhiệm thôi đã bắt đầu gây khó dễ rồi sách nhiễu, tìm cách này cách khác để gây khó. Tới đây tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, thay thế những người này”, ông Hồ Quốc Dũng lưu ý.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng “sân trước, sân sau”, vừa làm cán bộ lãnh đạo vừa thành lập doanh nghiệp rồi “chỉ chỗ này, chỉ chỗ kia”. Nếu phát hiện ra cán bộ nào sẽ xử lý cán bộ đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu

hoàng trọng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị các cán bộ lãnh đạo sở, ngành, địa phương phải chủ động trong quá trình công tác, đưa ra các đề xuất mới để tạo sự đột phá, phát triển của tỉnh. Đồng thời, ông Phạm Anh Tuấn cũng kêu gọi thay đổi cách thức làm việc của cơ quan công quyền.

"Chúng ta không được bị động nữa, không được ngồi chờ nữa mà phải chủ động. Tất cả các cấp đều phải chủ động, lãnh đạo UBND tỉnh phải chủ động với sở, sở phải chủ động với anh em của mình và các địa phương, địa phương phải chủ động với cấp xã và người dân của mình. Lãnh đạo UBND và các sở phải chủ động với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lương thiện làm ăn tử tế", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Gây khó gây dễ để người ta năn nỉ?

Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng cách làm tại một số đơn vị, sở, ngành hiện nay trì trệ do cán bộ thiếu trách nhiệm, thiếu tâm huyết với công việc.

“UBND các huyện làm xong hồ sơ dự án, lên các sở thẩm định thấy chưa đủ thì trả lại, hướng dẫn người ta bổ sung ngay chứ cứ để đủ 20 ngày rồi mới làm biên bản trả lại, để người ta về làm rồi nộp lại. Làm như thế thì trách nhiệm mình ở đâu? Vì sự phát triển của quê hương đất nước chỗ nào? Làm như thế để làm gì? Hôm nay có các giám đốc sở ở đây, về họp lại những cán bộ này đi. Làm cán bộ công chức nhà nước mà làm như thế để làm gì, có tạo ra sự phát triển gì cho quê hương Bình Định này không hay là gây khó gây dễ để người ta năn nỉ?”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.