Bí thư Hà Nội: 'Thành phố muốn đẹp phải bỏ tiền ra làm'

Mai Hà
Mai Hà
10/11/2023 19:37 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn giảm các bức xúc như ùn tắc, úng ngập thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giảm dân số nội đô, di dời dân cư. Muốn làm được, Hà Nội cần phải được phân quyền, trao quyền nhiều hơn.

Góp ý thảo luận tại tổ về luật Thủ đô sửa đổi chiều 10.11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án luật được xây dựng từ năm 2021, với yêu cầu mới phát triển thủ đô theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cao hơn trước. 
Bí thư Hà Nội: 'Thành phố muốn đẹp phải bỏ tiền ra làm' - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ chiều 10.11

GIA HÂN

Theo ông, luật Thủ đô 2012 có "nhiều tư tưởng rất hay". Hiến pháp 2013 ra đời khiến gần như tất cả các luật phải đổi. Vì thế, dù ý tưởng thì hay, nhưng việc triển khai cụ thể hóa, tính khả thi chưa cao. Một số việc tổ chức được lại chưa đúng tinh thần của luật Thủ đô.

“Dự thảo luật mới đưa ra một số cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền cho thủ đô, tạo tính khác biệt”, ông Dũng nói, và cho rằng, có nhiều vấn đề chưa yên tâm vì đang trao quyền nửa vời. Ông dẫn ví dụ, khi luật PPP trình ra Quốc hội cũng phải chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công, nên luật thì có nhưng thực hiện rất khó khăn.

Với Hà Nội, khâu quy hoạch rất quan trọng, nông thôn của thủ đô cũng không giống những nơi khác với rất nhiều nội dung phải bảo tồn. Công nghiệp Hà Nội 3 năm qua không tăng, xây dựng cũng thế, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn là nhờ dịch vụ. Nông nghiệp rất quan trọng. 

"Tỷ lệ đô thị mới hơn 30%, phấn đấu nâng tỷ lệ đất đô thị lên 40%. Quy hoạch phát triển đô thị nhưng vẫn phải phát triển nông thôn. Phải giữ được bản sắc, giữ được làng nghề, chống nhà ống trong các làng xóm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.

Nhắc lại quy hoạch Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, theo ông Dũng, tương lai phải tăng lên 13 - 14 tuyến để kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, như vậy mới ra vùng thủ đô. Đây đều là các dự án đầu tư rất lớn, công nghệ rất cao, đòi hỏi phải đồng bộ, “nếu cứ làm lôm côm thì chết”.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhu cầu vay cho đường sắt đô thị rất lớn, hơn 100.000 tỉ đồng chỉ đầu tư được 2 tuyến. “Đường sắt đô thị nếu nằm trong vùng thủ đô cần giao quyền cho Hà Nội hết, không quan trọng là 20.000 - 30.000 tỉ đồng”, ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, cần phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá. Ví dụ như vụ cháy tại Q.Thanh Xuân mới đây, nhà xây vượt phép lên 9 tầng, nhưng kể cả xây đúng theo giấy phép 6 tầng thì cháy vẫn cháy. 

“Lý do tại sao khu vực này cho xây 5 - 6 tầng mà không phải 2 - 3 tầng? Vì đó là tiêu chuẩn về quy hoạch. Nhưng ngõ bé, sâu như thế thì phải giao cho thành phố quy định tiêu chuẩn riêng, hạn chế dân cư. Mặt bằng có 200 m2, nếu cứ xây sin sít 6 tầng mỗi căn thì làm gì có lối mà đi, tập trung người vào thì chết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng, và cho rằng, Hà Nội phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cao hơn.

Về định mức đơn giá, muốn xây dựng nhà hát quốc gia tại Hà Nội cũng không có định mức đơn giá. Đơn cử như việc cải tạo Nhà hát Lớn 5 - 7 năm không quyết được định mức đơn giá qua 3 đời Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đến lúc giao cho Hà Nội quyết mới làm được.

Ông khẳng định, muốn thủ đô văn hiến,văn minh hiện đại, phải có thẩm quyền, giao quyền cho Hà Nội. Qua thực tế cho thấy còn "muôn vàn chông gai", như Vành đai 4 Quốc hội giao cho Hà Nội triển khai, trong đó đoạn trên cao khoảng 56.000 tỉ đồng. Nhưng dự án giải phóng mặt bằng và đường song hành có 5.400 tỉ đồng vẫn phải báo cáo tác động môi trường trình Bộ TN-MT, báo cáo Bộ Xây dựng mất nhiều tháng. 

“Giao thẩm quyền thì các ngành khác cũng phải đi theo, tránh ông chằng bà chuộc. Đã phân luật to nhất cho Hà Nội rồi thì luật chuyên ngành bên dưới phải đi theo”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói, và cho rằng, các chính sách này đều đã thể hiện trong luật nhưng chưa “nét”.

Người đứng đầu Hà Nội cũng cho rằng, muốn giảm dân số nội đô để giảm các bức xúc như ùn tắc, úng ngập, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải di dời dân cư. Nhưng nếu chờ T.Ư thì lâu nay vẫn chưa làm được, vì thế phải giao thẩm quyền cho thủ đô. 

"Hà Nội sẽ bỏ ngân sách ra, thậm chí xây một trường đại học mới tại ngoại thành. Trong một nhiệm kỳ chỉ cần xây 2 trường tại Xuân Mai, Hòa Lạc sẽ di dời được rất nhiều sinh viên, dân cư. Hà Nội cũng đang quy hoạch các tuyến đường sắt như Văn Cao - Hòa Lạc hay Xuân Mai… Thành phố muốn đẹp phải bỏ tiền ra làm", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.

Phân cấp, giao quyền nhưng cần giám sát

Bày tỏ băn khoăn vì việc dự thảo luật Thủ đô sửa đổi chưa có nhiều đột phá, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, so về vị trí địa lý, chính trị, Hà Nội rất khác so với các địa phương khác. Song, theo bà, dù dự thảo luật quy mô khá lớn, nhưng chưa có nhiều đột phá. Người dân thủ đô muốn biết kết quả thực hiện luật sẽ mang lại điều gì cho người dân, điều đó mới quan trọng.

Bí thư Hà Nội: 'Thành phố muốn đẹp phải bỏ tiền ra làm' - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

GIA HÂN

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng, Hà Nội phải mang tính hình mẫu, lan tỏa cho sự phát triển cả nước, đòi hỏi phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước. Ông cũng đồng tình với ban soạn thảo và thẩm tra, luật Thủ đô phải tạo tính bao trùm cao hơn các luật, khung khổ pháp lý rộng hơn, cao hơn.

Quy định phân bổ nguồn lực cho Hà Nội cũng phải cao hơn hẳn các địa phương khác, không nên điều tiết mà toàn bộ nguồn thu ngân sách cần dành cho phát triển thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội cần được trao quyền để được quy định nhiều hơn.

Theo đại biểu Cường, chính quyền đô thị của Hà Nội không giống chính quyền địa phương khác, phải giải quyết vấn đề của cả quốc gia, nhiệm vụ lớn hơn nhiều. Do đó, bộ máy cơ chế như HĐND, UBND cũng phải có lực lượng đông hơn, chuyên nghiệp hơn, chế độ tiền lương cho cán bộ thủ đô phải cao hơn các địa phương khác. Song song với đó, cần cơ chế kiểm soát, giám sát của các bộ ngành với Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.