Bí thư Hà Nội thị sát vùng rốn lũ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập

29/07/2024 15:00 GMT+7

Chiều 29.7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi thị sát vùng rốn lũ trên địa bàn H.Chương Mỹ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập do ảnh hưởng của cơn bão số 2.

Cùng đi có Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Đoàn công tác do Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dẫn đầu đã thị sát tại bờ đê sông Bùi, đoạn thuộc địa bàn xã Tân Tiến (H.Chương Mỹ).

Bí thư Hà Nội thị sát vùng rốn lũ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài (thứ 2 từ phải sang) nghe báo cáo về tình hình mưa lũ và phương án phòng, chống thiên tai

KHẮC HIẾU

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện nước lũ vẫn tiếp tục chảy tràn qua đê sông Bùi, gây ngập lụt cục bộ nhiều làng trên địa bàn xã Tân Tiến.

Bí thư Hà Nội thị sát vùng rốn lũ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập- Ảnh 2.

Hàng nghìn hộ dân vùng "rốn lũ" H.Chương Mỹ bị cô lập nhiều ngày qua

KHẮC HIẾU

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Chương Mỹ (viết tắt là Ban Chỉ huy), do ảnh hưởng của bão số 2, từ 7 giờ ngày 22.7 - 11 giờ ngày 29.7, lượng mưa đo được trên địa bàn là gần 374 mm.

Mưa lũ đã khiến hơn 5,5 km đê thuộc địa bàn 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị ngập; 37 m đê bị sạt lở… Đồng thời, 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó có 1.239 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2 m, 1.231 hộ bị ngập lối đi; hơn 2.000 m tường bao bị đổ.

Diện tích lúa bị thiệt hại từ 30% đến trên 70% là 1.123 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 327 ha. Diện tích cây ăn quả bị ngập từ 30% đến trên 70% là 213 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.022 ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% là 162 ha.

Ngoài ra, hơn 77.100 m2 chuồng trại bị ngập; gần 187.000 gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.

Về công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả, lực lượng chức năng đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia. Tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20 lít) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến.

Cạnh đó, xã Nam Phương Tiến đã tiếp nhận hỗ trợ nguồn Hội Chữ thập đỏ H.Chương Mỹ gồm 100 thùng mì tôm, 5.000 cốc nến, 27 suất tiền mặt trị giá 500.000 đồng/suất. Đồng thời, tiếp nhận hỗ trợ 450 thùng mì tôm, 20 lốc sữa, 10 bịch lương khô, 10 suất tiền mặt trị giá 300.000 đồng/suất (đã cấp phát đến hộ) từ nguồn xã hội hóa. Xã Hoàng Văn Thụ nhận hỗ trợ 250 bình nước (loại 20 lít), xã Tân Tiến nhận hỗ trợ 30 thùng mì tôm, 30 suất tiền mặt trị giá 500.000 đồng/suất.

Bí thư Hà Nội thị sát vùng rốn lũ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập- Ảnh 3.

Một phần thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) chìm trong "biển nước"

KHẮC HIẾU

Trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức lực lượng và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi.

Bí thư Hà Nội thị sát vùng rốn lũ, nơi hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập- Ảnh 4.

Nước lũ vẫn tiếp tục tràn qua đê sông Bùi, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu

KHẮC HIẾU

Như Thanh Niên đã phản ánh, dù 4 ngày qua, khu vực Hà Nội không có mưa lớn nhưng nước lũ vẫn tiếp tục tràn qua đê sông Bùi. Nước dâng cao khiến nhiều tuyến đường làng vùng rốn lũ chìm trong biển nước, có chỗ ngập sâu đến 2 m. Để ra bờ đê, người dân chỉ có thể chèo thuyền. Người dân địa phương cho biết, đợt ngập lụt ở rốn lũ lần này gần bằng trận lũ lịch sử ở Hà Nội năm 2008.

Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý, cho biết xã Nam Phương Tiến có khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập đến nhà. Nhân Lý ngập nặng nhất nên nhiều người già, trẻ nhỏ ở đây đã sơ tán đến các thôn khác.

Ông Lực mong các cấp có thẩm quyền cho nâng đê sông Bùi lên cao hơn để khu vực này không bị ngập lụt nữa. Bởi lẽ, mỗi lần ngập lụt là cuộc sống của người dân vùng rốn lũ lại thêm khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản, kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.