Bí thư Hà Nội: Quanh năm suốt tháng xử lý vi phạm vỉa hè thì sao văn minh được

31/03/2023 15:14 GMT+7

Đề cập đến chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng e ngại cứ thỉnh thoảng phát động dễ thành kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", do đó cần làm bài bản, công khai, minh bạch.

Sáng 31.3, kết luận hội nghị giao ban quý 1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch; chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Bí thư Hà Nội: Vỉa hè rộng, cho thuê có khi vừa có tiền, vừa trật tự - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị

HÀ VŨ

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý phải suy nghĩ, bàn cách làm sao cho căn cơ, đảm bảo công bằng, minh bạch; để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. "Nếu cứ tình hình này, cứ thỉnh thoảng phát động chiến dịch thì tôi e thành kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực, thậm chí cả tiền nữa", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch.

Thấy công an phường, người bán hàng dọn sạch vỉa hè Hà Nội trong tích tắc

"Quanh năm suốt tháng đi xử lý vi phạm người dân thì làm sao văn minh, văn hiến được… Ra quân như thế này, xe công an chạy đến đâu thì người dân ôm bàn ghế chạy đến đó, không ra làm sao, thậm chí lại phản cảm", ông Dũng bày tỏ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường; có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.

"Như khu khách sạn, làm quy hoạch tốt, công khai, minh bạch thì còn cho thuê mặt bằng theo giờ. Vỉa hè rộng, cho thuê, căng dây bán cà phê tính theo giờ có khi vừa có tiền, vừa trật tự", Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý thêm.

Trước đó, trao đổi với Thanh Niên về giải pháp cho thuê để quản lý vỉa hè tốt hơn, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông công cộng, cho biết một số nước ở châu Âu cũng đang cho thuê vỉa hè ở một số đoạn đường trong khoảng thời gian nhất định.

"Đến tối, khi bớt xe đi lại, họ dùng lòng đường làm quán nhậu, để du khách ngồi uống rượu bia. Trường hợp này gần giống với mô hình phố đi bộ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, họ vẫn chừa lại lối nhỏ dành cho người đi bộ", ông Bình cho hay.

TS Bình bày tỏ, việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè rồi thu phí nộp ngân sách nhà nước cũng tốt, nhưng phải xác định thứ tự ưu tiên đảm bảo lợi ích cho người đi bộ.

"Ưu tiên khoảng không gian dành cho người đi bộ, không gian còn lại có thể chấp nhận một phần nào đó cho phép làm việc khác; không nhất thiết phải dẹp sạch hàng quán trên vỉa hè. Làm được như vậy sẽ hài hòa hơn, dễ được chấp nhận hơn", ông Bình nêu quan điểm.

Xem nhanh 20h ngày 31.3: Loạn hàng rong, phun lửa ở phố đi bộ | Bài học lắp mái che từ Singapore

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.