Bí thư Hà Nội: Ứng xử với vỉa hè phố cổ phải khác đường lớn

29/03/2023 15:09 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, quản lý vỉa hè, lòng đường cần phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp quận, huyện. Lòng đường, vỉa hè phố cổ thì phải ứng xử khác lòng đường lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt...

Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP.Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) để đánh giá kết quả công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2.

Bí thư Hà Nội: 'Ứng xử' với vỉa hè phố cổ phải khác đường lớn - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

THANH HẢI

Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tác dụng, hiệu quả trong việc đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị thành phố gắn phân cấp, ủy quyền, nâng cao năng lực phục vụ. Do đó, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện việc này đối với các sở: KH-ĐT, QH-KT, TN-MT…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, quan điểm của thành phố là tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp quận, huyện. Một trong những lĩnh vực phải làm ngay theo cách này là quản lý vỉa hè, lòng đường.

"Cách làm vừa qua là chưa căn cơ, bài bản. Lòng đường, vỉa hè phố cổ thì phải ứng xử khác lòng đường lớn như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... Tới đây, cùng với tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương, tôi đề nghị phải xây dựng đề án riêng đi sâu vào thiết kế đô thị; cụ thể từng khu vực, công khai, minh bạch để nhân dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng và thống nhất thực hiện. Trên cơ sở đó, làm từng khu vực, từ từ từng bước, làm đến đâu chặt chẽ, chắc chắn đến đấy", ông Dũng nói.

Thấy công an phường, người bán hàng dọn sạch vỉa hè Hà Nội trong tích tắc

Liên quan đến kế hoạch lấy lại vỉa hè quang phong, sạch đẹp cho người đi bộ, theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, sau 15 ngày ra quân, lực lượng công an đã xử lý hơn 14.200 trường hợp về trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền 9,7 tỉ đồng; xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt tiền 2,6 tỉ đồng.

Với những giải pháp trên, theo thiếu tướng Tùng, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố chắc chắn sẽ đi vào nề nếp trong thời gian tới.

Bí thư Hà Nội: 'Ứng xử' với vỉa hè phố cổ phải khác đường lớn - Ảnh 2.

Trên phố cổ Hà Nội, đa phần các hộ kinh doanh chỉ tuân thủ quy định trật tự đô thị, trật tự công cộng khi lực lượng chức năng có mặt

NGUYỄN TRƯỜNG

Chỉ dừng chiếm dụng vỉa hè khi lực lượng chức năng có mặt

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 P.Hàng Buồm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã có báo cáo về kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn.

Theo đó, UBND phường đã phối hợp với công an phường triển khai ký cam kết cho 420 hộ kinh doanh với các nội dung: không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép; bỏ rác thải đúng quy định; để xe máy, xe đạp gọn gàng, thẳng hàng trên vỉa hè các tuyến phố được để xe…

Qua thời gian cao điểm ra quân xử lý, đến nay 3/9 điểm thường xuyên vi phạm về trật tự đô thị là 38 Mã Mây - 21 Hàng Chĩnh, 72 Mã Mây, 5 Mã Mây - 7 Đông Thái không còn vi phạm trong giờ hành chính.

Về khó khăn, P.Hàng Buồm cho biết, trên địa bàn có nhiều hộ kinh doanh, tập trung đông khách nước ngoài, thời gian kinh doanh của các hộ kéo dài trong ngày từ sáng đến đêm khuya.

Ngoài ra, lực lượng cán bộ công chức UBND phường và công an phường còn mỏng nên việc kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm đôi khi chưa kịp thời.

Đặc biệt, dù người dân đã ký cam kết và nhận thức được hành vi vi phạm, tuy nhiên, do thói quen của khách du lịch luôn muốn ngồi ngoài vỉa hè để ngắm phố phường; đồng thời địa điểm kinh doanh của các hộ thường nhỏ hẹp nên đa phần các hộ kinh doanh chỉ tuân thủ khi lực lượng chức năng có mặt. Khi không có lực lượng chức năng, các hộ dân lại có xu hướng bày bàn ghế tràn ra ngoài vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.

Ban Chỉ đạo 197 P.Hàng Buồm cho hay, vào những ngày thường (thứ hai đến thứ năm), hiện tượng tràn ra vỉa hè, lòng đường vẫn còn nhiều, đặc biệt là ngoài giờ hành chính. Trước hàng loạt khó khăn nêu trên, cơ quan này đã đề nghị UBND Q.Hoàn Kiếm bố trí, sắp xếp thêm người hỗ trợ về công tác quản lý trật tự đô thị.

Theo Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2023, trong tháng 3, thành phố yêu cầu giải quyết triệt để tình trạng xe "dù", bến "cóc". Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, không để tái diễn, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định…

Công an thành phố tăng cường xử lý theo hình thức phạt nguội đối với các chủ phương tiện đỗ xe không đúng nơi quy định; duy trì tuần tra, giải quyết triệt để tình trạng hàng quán kinh doanh quá giờ, tập trung xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm…

Từ ngày 1.4 - 1.11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.