Hà Nội muốn xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường

03/03/2023 12:19 GMT+7

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu phân tích mối tương quan giữa duy trì trật tự đô thị và phát triển kinh tế; đồng thời gợi ý xây dựng chính sách quản lý vỉa hè, lòng đường để quản lý, chống lấn chiếm…

Sáng 3.3, Hà Nội phát động lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (TTATGT, TTĐT, TTCC) trên địa bàn năm 2023.

Hà Nội muốn xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường để chống lấn chiếm - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, phát biểu tại lễ ra quân

TRẦN KIÊN

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, trong giai đoạn đầu, thành phố giao các quận, huyện chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chấp hành việc giải tỏa vi phạm hè phố, lòng đường tại khu vực làm việc. Các quận, huyện cũng được yêu cầu vận động các hộ kinh doanh ký cam kết chấm dứt vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường.

Thấy công an phường, người bán hàng dọn sạch vỉa hè Hà Nội trong tích tắc

Thiếu tướng Ky yêu cầu các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm chiếm dụng trái phép hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện; xử lý vi phạm theo từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Đối với các trường hợp không chấp hành, lực lượng chức năng phải kiên quyết cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm.

Hà Nội muốn xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường để chống lấn chiếm - Ảnh 2.

Sáng 3.3, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, TTĐT, TTCC trên địa bàn

TRẦN KIÊN

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, thông qua đợt kiểm tra, xử lý lần này là để phát hiện những thiếu sót, bất cập, kịp thời kiến nghị UBND TP.Hà Nội giải pháp khắc phục. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, cấp phép, xử lý vi phạm, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sự hài hòa giữa duy trì trật tự và các chính sách an sinh xã hội dành cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội, cho biết sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", tình trạng vi phạm về TTATGT, TTĐT ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định.

Bên cạnh đó, bán hàng rong, họp chợ tạm, chợ cóc vẫn còn tồn tại, gây mất mỹ quan đô thị ở hầu hết các địa bàn, nhất là tại các quận nội thành...

Hà Nội muốn xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường để chống lấn chiếm - Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân

TRẦN KIÊN

Theo ông Sơn, kế hoạch lần này có 3 giai đoạn rất cụ thể, gồm: giai đoạn 1 sẽ tuyên truyền trước khi ra quân tổng kiểm tra; giai đoạn 2 sẽ ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, TTĐT, TTCC và giai đoạn 3 sẽ kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm.

Về tổ chức ra quân, ông Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý toàn diện các vi phạm trên các lĩnh vực trên địa bàn; huy động toàn diện các lực lượng, phương tiện tham gia phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.

Hà Nội muốn xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường để chống lấn chiếm - Ảnh 4.

Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chính sách để vừa đảm bảo TTĐT nhưng vẫn đảm bảo quyền kinh doanh, quyền mưu sinh của người dân

NGUYỄN TRƯỜNG

Qua chiến dịch này, ông Sơn đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá thực trạng TTĐT trên địa bàn, nguyên nhân và giải pháp; phân tích mối tương quan giữa duy trì TTĐT và phát triển kinh tế, đặc biệt là "kinh tế đêm".

Trên cơ sở đó phải nghiên cứu, làm rõ để kịp thời tham mưu cho thành phố chính sách vừa đảm bảo được mỹ quan, vừa đảm bảo TTATGT, TTĐT nhưng vẫn bảo đảm quyền kinh doanh, quyền mưu sinh, cuộc sống của người dân; dưới sự quản lý một cách trật tự, bảo đảm, công bằng.

"Chúng ta phải nghĩ đến chính sách như vậy. Về mặt cơ sở pháp lý thì thành phố hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ như, xây dựng đề án quản lý hè phố, lòng đường để quản lý chặt chẽ, chống lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Các cơ quan nghiên cứu, sớm đề xuất, tổ chức diễn đàn để tham vấn ý kiến chuyên gia… sớm có nghị quyết để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bền vững và cũng giảm tải nhiệm vụ cho lực lượng cơ sở", ông Sơn bày tỏ.

6 năm sau chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải: vỉa hè quận 1 giờ ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.