Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ

22/02/2023 04:12 GMT+7

TP.Hà Nội vừa yêu cầu tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định...

Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội (Ban Chỉ đạo) đã ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP năm 2023.

Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 1.

Du khách phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè phố cổ (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị chiếm dụng

Nguyễn Trường

Quyết không "đánh trống bỏ dùi"

Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này, nhất là tại 12 quận nội thành. Yêu cầu xử lý 100% các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng để tạo tính răn đe; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm lấy lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Xem nhanh 20h ngày 20.2: Hà Nội mở chiến dịch vỉa hè | Thổ Nhĩ Kỳ sắp dừng cứu nạn động đất

Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 2.

Vỉa hè ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị “xẻ thịt” (ảnh chụp tháng 12.2022)

Ở giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28.2, TP yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31.3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tổ chức rà soát, xử lý các điểm đen về giao thông; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông; đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên các tuyến vận tải hành khách, bến xe, bệnh viện, trường học; giải quyết triệt để tình trạng xe "dù", bến "cóc". Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, không để tái diễn, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định…

Ưu tiên khoảng không gian dành cho người đi bộ. Không gian còn lại có thể chấp nhận một phần nào đó cho phép làm việc khác. Không nhất thiết phải dẹp sạch hàng quán trên vỉa hè. Làm được như vậy sẽ hài hòa hơn, dễ được chấp nhận hơn.

TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông công cộng)

Sở VH-TT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo; giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong, "cò mồi" đeo bám khách du lịch… Công an TP tăng cường xử lý theo hình thức phạt nguội đối với các chủ phương tiện đỗ xe không đúng nơi quy định; duy trì tuần tra, giải quyết triệt để tình trạng hàng quán kinh doanh quá giờ, tập trung xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm… Các cơ quan, địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức cuốn chiếu, không bỏ sót vi phạm; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối.

Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 4.

Một góc vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị chiếm dụng bày hàng hóa bít hết lối đi

Nguyễn Trường

Giai đoạn 3, từ ngày 1.4 - 1.11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết trong năm nay quận sẽ "quyết tâm rất cao" cùng công an quận xử lý vi phạm về trật tự đô thị. "Quyết tâm thì rõ rồi, còn việc cụ thể vẫn phải chờ thời gian. Quận sẽ duy trì công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị thường xuyên, liên tục, nhất là khu vực quanh hồ Tây. Việc xử phạt vi phạm sẽ thực hiện cương quyết nhưng mong người dân có ý thức tốt hơn nữa", ông Khuyến cho hay.

Trước đó, tháng 3.2017, lực lượng chức năng cấp quận, phường ở Hà Nội đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, sau đó chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội đã thất bại. Sự thông thoáng của vỉa hè sau các cuộc xử lý không tồn tại được lâu vì hàng quán, bãi đỗ xe… tiếp tục bủa vây, bít hết lối dành cho người đi bộ.

Ở thời điểm hiện tại, không khó để bắt gặp hình ảnh vỉa hè, lòng đường nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán, khiến người dân phải đi bộ dưới lòng đường. Theo ghi nhận của Thanh Niên, sáng 20.2, vỉa hè, lòng đường ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy... vẫn bị "xẻ thịt", phục vụ mục đích cá nhân.

Xử lý trách nhiệm địa phương thực hiện "đầu voi, đuôi chuột"

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII Bùi Thị An (Hà Nội), việc Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch đã thể hiện quyết tâm giữ thẩm mỹ cho Hà Nội, trong đó có việc lấy lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ; để Hà Nội thực sự văn hiến, văn minh, hiện đại.

Về nguyên nhân dẫn đến thất bại của chiến dịch tương tự vào năm 2017, bà An cho rằng ở thời điểm đó, có lẽ lãnh đạo TP cùng các sở, ngành, địa phương đã không quyết tâm, không coi công tác này là việc phải thực hiện lời hứa của mình với người dân nên sau khi ra quân đã "bỏ quên" việc kiểm tra, giám sát, để vi phạm tái diễn. Bên cạnh đó, TP đã không kiểm tra, đôn đốc, giám sát nên "ai làm tốt không được khen, ai làm không tốt không bị xử lý".

"Do đó, tôi đề nghị trao trách nhiệm xử lý vi phạm trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ cho chính quyền địa phương, cho các cơ sở, đồng thời phải giám sát thường xuyên, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện cho cơ sở. Ai làm tốt thì khen, không làm tốt thì xử lý, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm", ĐB An bày tỏ.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, lưu ý khi đã ban hành kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì khâu tổ chức thực hiện không được "đầu voi, đuôi chuột"; không để lúc ra quân thì rầm rộ, mới thực hiện thì quyết liệt nhưng sau đó "có vấn đề này, vấn đề nọ" thì lại "chùn bước" để rồi vỉa hè lại tiếp tục bị chiếm dụng. Điều này nếu lặp lại như chiến dịch năm 2017 sẽ làm TP mất uy tín với người dân.

ĐB Hòa nêu quan điểm, trong kế hoạch năm 2023, chính quyền TP.Hà Nội cần cương quyết, rành mạch, rõ ràng khi thực hiện; đồng thời quy định rõ nơi nào người dân, lao động tự do được phép sử dụng vỉa hè để mưu sinh; vỉa hè, tuyến phố nào chỉ dành cho người đi bộ. Điều này vừa thể hiện tính nhân văn, giải quyết công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này mà vẫn đảm bảo trật tự đô thị.

Đặc biệt, ĐB Hòa cho rằng nếu công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng có lơ là, làm theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột" thì phải xử lý về mặt hành chính đối với người đứng đầu. "Luật pháp phải nghiêm minh và quy định của TP phải đảm bảo sự chấp hành. Trên bảo dưới phải nghe. Không nghe thì phải có quy chế, chế tài, thậm chí xử lý đối với người không chấp hành mệnh lệnh cấp trên, không thể để trên nóng dưới lạnh", ông Hòa nói.

Có nên làm "sổ đỏ" cho vỉa hè để quản lý, chống lấn chiếm?

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông công cộng, vỉa hè sinh ra để phục vụ người đi bộ, không phải là không gian để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, ông nhìn nhận việc lấn chiếm vỉa hè là thực trạng đã xuất hiện từ lâu mà chúng ta "đành phải chấp nhận". Vậy nên, để vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ là việc "nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản".

Nhắc đến giải pháp cho thuê để quản lý vỉa hè được tốt hơn, TS Phan Lê Bình cho biết, một số nước ở châu Âu cũng đang cho thuê vỉa hè ở một số đoạn đường trong khoảng thời gian nhất định. "Đến tối, khi bớt xe đi lại, họ dùng lòng đường làm quán nhậu, để du khách ngồi uống rượu bia. Trường hợp này gần giống với mô hình phố đi bộ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, họ vẫn chừa lại lối nhỏ dành cho người đi bộ", ông Bình cho hay.

TS Bình bày tỏ, việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè rồi thu phí nộp ngân sách nhà nước "cũng tốt", nhưng phải xác định thứ tự ưu tiên đảm bảo lợi ích cho người đi bộ. "Ưu tiên khoảng không gian dành cho người đi bộ. Không gian còn lại có thể chấp nhận một phần nào đó cho phép làm việc khác. Không nhất thiết phải dẹp sạch hàng quán trên vỉa hè. Làm được như vậy sẽ hài hòa hơn, dễ được chấp nhận hơn", ông Bình nêu quan điểm.

Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, có quan điểm rằng vỉa hè là không gian công cộng, dành cho người đi bộ; không thể cho thuê với bất cứ giá nào. Theo ông, khái niệm "kinh tế vỉa hè" chỉ là "lý lẽ, bao biện" để tìm cách khai thác vỉa hè lấy tiền.

"Đã là luật thì bất cứ ai cũng phải chấp hành. Ai vi phạm trật tự đô thị thì xử phạt, xử lý theo quy định. Không nên nghĩ ra các sáng kiến rồi "làm hại chính mình". Tức là việc cho thuê vỉa hè tiềm ẩn rủi ro, mất trật tự đô thị rồi cơ quan chức năng lại phải ra quân lập lại trật tự đô thị do chính mình đã tạo điều kiện để mất trật tự", ông Ánh bày tỏ.

Nhiều địa phương cũng tiến hành thu phí sử dụng lòng đường ở khu trung tâm làm nơi đậu ô tô có trả phí để chấn chỉnh trật tự đô thị.

Đà Nẵng: Thu phí sử dụng lòng đường sau thời gian thí điểm

Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, cho biết hiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường và mỹ quan đô thị, TP.Đà Nẵng đã thống nhất đề án thu phí đậu đỗ xe lòng đường Trần Phú và Bạch Đằng sau thời gian thí điểm.

Đây là 2 tuyến đường trọng điểm về du lịch, tập trung đông du khách. Qua thời gian thực hiện, việc tổ chức đậu đỗ xe thu phí trên 2 tuyến đường này đã tạo thói quen cho người dân, ứng dụng công nghệ thông tin, thu phí tự động thuận tiện, hạn chế tranh giành chỗ đỗ xe và xung đột với khu vực kinh doanh. Sở GTVT TP.Đà Nẵng tiếp tục rà soát các tuyến đường trọng điểm du lịch khác để mở rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành TP.Đà Nẵng, cho rằng không chỉ các tuyến trung tâm mà khu vực ven biển, khu điểm du lịch cũng rất cần tận dụng không gian đậu đỗ xe. "Tận dụng một phần lòng lề đường để đậu đỗ phương tiện có thu phí là việc rất nên nhân rộng, có thể xã hội hóa để huy động thêm nguồn lực thay cho ngân sách Nhà nước", ông Anh nói.

Nguyễn Tú


Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 6.

Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh 7.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.