Muôn kiểu lấn chiếm
Câu chuyện lấn chiếm vỉa hè luôn là thực trạng nhức nhối của thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh bất kể ngày đêm diễn ra tại nhiều vỉa hè, vườn hoa công cộng dọc tuyến đường ven hồ Tây (Q.Tây Hồ). Phớt lờ quy định, các hộ kinh doanh trên tuyến phố này thản nhiên bày bán hàng quán lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Sự tồn tại của các hàng quán và ý thức kém từ một bộ phận người dân không chỉ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan của hồ Tây.
Hà Nội mở chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ
Theo ghi nhận của Thanh Niên ngày 20.2, nhiều hàng quán trên các tuyến phố ven hồ Tây như Vệ Hồ, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi… bày bàn ghế tràn lan, kín cả vỉa hè để kinh doanh, tạo ra cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho người đi đường.
Xem nhanh 20h ngày 20.2: YouTuber ẩu đả vì Nguyễn Phương Hằng | Thổ Nhĩ Kỳ sắp dừng cứu nạn động đất
Trên phố Nguyễn Đình Thi, hàng loạt quán nước ngang nhiên chiếm vỉa hè bằng cách trải chiếu, nhiều người dân phải đi bộ xuống lòng đường.
Tương tự, tại phố Trích Sài, quán cafe, quán ốc, quán ăn đêm cũng biến vỉa hè thành của riêng khi vừa kinh doanh doanh dịch vụ ăn uống, vừa là chỗ để xe cho khách. Các hàng quán còn cho nhân viên tràn xuống lòng đường bắt khách, gây mất an toàn giao thông.
Tại khu vực phố Vệ Hồ, vỉa hè trở thành một bãi biển thu nhỏ về đêm với bàn ghế xếp thành hàng dài, hàng hoá bày bán tràn lan.
Ông B.V.T (trú tại phố Văn Cao, Q.Ba Đình) cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh đã diễn ra nhiều năm tại hồ Tây, người dân quanh khu vực rất bức xúc vì không còn lối đi.
"Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương, họ cũng ra quân dẹp được vài ngày rồi đâu lại vào đấy, vỉa hè lại bị tái lấn chiếm. Người ta kê bàn ghế, thậm chí trải cả chiếu trên vỉa hè. Người đi bộ phải đi giữa lòng đường vì vỉa hè hay lề đường đều bị lấn chiếm hết", ông T. nói.
Bãi đỗ xe "khủng" ngay trên vỉa hè
Được chỉnh trang, lát đá, thay lan can tại nhiều tuyến phố ven hồ Tây, thế nhưng xe máy, ô tô vẫn đỗ tràn lan trên vỉa hè.
Không chỉ được dùng làm nơi kinh doanh ăn uống, tại các tuyến phố dọc hồ Tây, vỉa hè còn biến thành các điểm trông giữ xe tự phát. Một số người dân quanh khu vực hồ Tây cho biết, người đi xe máy phải trả 10.000 đồng/lượt, 30.000 đồng/lượt cho ô tô. Những ngày cuối tuần, dịp lễ thì phí gửi xe còn cao hơn, từ vài chục đến cả trăm nghìn cho một lần trông giữ ô tô, xe máy.
Đáng nói là TP.Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc quản lý và sử dụng hè phố. Trong đó, quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nếu sử dụng cho mục đích khác thì phải có sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội đã đề ra mục tiêu kiên quyết xoá bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ. Thế nhưng, nhiều vỉa hè, tuyến phố vẫn bị "nuốt chửng".
"Vỉa hè gần như bị lấn chiếm hết để bán hàng, trông giữ xe, không còn chỗ cho người đi bộ, tập thể dục, mà chạy ra lòng đường thì lại rất nguy hiểm. Tôi mong rằng các lực lượng chức năng phải có các biện pháp xử lý triệt để, trả lại không gian sinh hoạt công cộng cho người dân", bà Nguyễn Thị Châu (P.Thuỵ Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội) đề nghị.
Tiếp nhận thông tin Thanh Niên phản ánh, sáng 21.2, một lãnh đạo UBND Q.Tây Hồ thừa nhận công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn, đặc biệt là khu vực quanh hồ Tây còn có lúc lơ là, thiếu thường xuyên, liên tục.
"Quận sẽ lập tức chỉ đạo lãnh đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm và duy trì công tác giám sát để chống tái lấn chiếm. Quận cũng sẽ xem xét, đánh giá địa bàn để xảy ra tồn tại vi phạm trật tự đô thị liên tục, thường xuyên để xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan", vị này khẳng định.
Bình luận (0)