Bí thư Nguyễn Văn Nên kể chuyện bị mạo danh mượn tiền, huy động vốn

01/08/2024 15:02 GMT+7

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết nhận được phản ánh về việc kẻ xấu mạo danh ông gọi điện thoại mượn tiền, huy động vốn.

Sáng 1.8, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu lại thực trạng tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Tội phạm lừa đảo qua mạng không chỉ nhắm đến người dân mà còn ảnh hưởng đến cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. "Hôm trước tôi đi họp ngoài Hà Nội, có một cán bộ cao cấp nói nhận được điện thoại tôi hỏi mượn tiền. Nghe tiếng rất giống tôi nhưng số điện thoại thì không phải của tôi. Sau khi kiểm tra lại thì đó là số của một người khác", ông Nên chia sẻ.

Bí thư TP.HCM đánh giá tình trạng lợi dụng, giả danh cán bộ cao cấp, lãnh đạo các cấp, tòa án, công an, viện kiểm sát… gọi điện thoại, ráp hình ảnh để lừa đảo qua mạng diễn ra ngày càng nhiều.

"Hằng ngày đều có thông tin người này người kia bị lừa. Có những cán bộ Thành ủy, đứng đầu các cơ quan ở thành phố này cũng bị dựng lên câu chuyện để tống tiền. Nhiều người gọi cho tôi hỏi có làm ăn gì không mà đi huy động vốn", ông Nguyễn Văn Nên kể thêm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên kể chuyện bị mạo danh mượn tiền, huy động vốn- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM sáng 1.8

C.T.V

Theo người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, loại tội phạm này làm cho người dân hoang mang. Ngành công an đang tích cực phối hợp các lực lượng đấu tranh, trấn áp nhưng rất cần sự phối hợp, cảnh giác cao của người dân để không bị sập bẫy.

Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM hồi giữa tháng 6.2024, trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM đánh giá các hành vi lừa đảo qua mạng như đầu tư tài chính, mua bán đa cấp, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án vẫn còn phức tạp.

Tỷ lệ khám phá án tội phạm này chưa cao vì quá trình tương tác với các đối tượng bị lôi kéo, dẫn dụ thì bản thân người dân không biết mình bị lừa, không báo công an. Đến khi tài sản bị chiếm đoạt rồi thì mới trình báo.

Giám đốc Công an TP.HCM cho biết sẽ có ứng dụng an ninh trật tự, người dân có thể cài đặt để nắm bắt thông tin, kiến thức nhận diện hành vi, thủ đoạn lừa đảo để tự bảo vệ mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.