Bí thư Nguyễn Văn Nên: Không thể chấp nhận dự án chờ đợi 5 - 6 tháng

13/01/2024 12:26 GMT+7

"Không thể chấp nhận một dự án mà chờ 5 - 6 tháng, còn thời gian đâu mà làm. Phải rút kinh nghiệm ngay một cách nghiêm túc", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Chấn chỉnh công tác phối hợp là một trong những lưu ý được ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi tại hội nghị tổng kết kế hoạch đầu tư công do UBND TP.HCM tổ chức sáng 13.1.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Nên, công tác đầu tư công năm 2023 tốn nhiều công sức, giúp đạt được kết quả đáng khích lệ, hoàn thành một số chỉ tiêu chung. Dù vậy, công tác phối hợp, hội họp nhiều quá và việc chờ giờ chót mở đợt 100 ngày cao điểm là không ổn chút nào. "Giống như đá bóng, nửa vòng đầu mà chưa có điểm thì nửa chặng cuối rất vất vả", ông Nên so sánh.

TP.HCM siết chặt kỷ cương, giải quyết vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Về công tác phối hợp, Bí thư TP.HCM đánh giá việc này có 2 mặt. Nếu phân công, giao việc rạch ròi, cụ thể, và kiểm tra, giám sát, nhìn thấy rõ công việc của từng người thì mới có giá trị. Còn phối hợp chung chung, có việc đề nghị 5 - 6 tháng mới có kết quả thì rất nguy hiểm, và không thể chấp nhận được.

"Không thể chấp nhận được một dự án mà chờ 5 - 6 tháng, còn thời gian đâu mà làm. Phải rút kinh nghiệm ngay một cách nghiêm túc", ông Nên yêu cầu.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Không thể chấp nhận dự án chờ đợi 5 - 6 tháng- Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao đổi tại hội nghị đầu tư công sáng 13.1

THUẬN VĂN

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhấn mạnh, đầu tư công có ý nghĩa quyết định cho thành bại của năm 2024 gắn với chi tiêu công, kích cầu nội địa. Bởi lẽ, xuất khẩu không thể cải thiện, khi nhu cầu bên ngoài khủng hoảng thì nguồn cung cũng phải chịu. Do vậy, TP.HCM cần chuyển hướng vào thị trường 100 triệu dân Việt Nam và 13 triệu dân thành phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị năm 2024 tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, đồng thời khẳng định Thành ủy TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát một cách khoa học, thực tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan thực thi.

Ông cũng đề nghị UBND TP.HCM sớm ban hành kế hoạch hành động ngay sau hội nghị để có kế hoạch thúc đẩy, giao việc, giám sát tiến độ cụ thể đến từng chủ đầu tư, địa phương. Trong đó, phải xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Công việc gặp khó khăn thì phải báo cáo nhanh

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên biểu dương các địa phương làm tốt giải ngân đầu tư công như Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân đồng thời cho rằng cần đúc kết, xây dựng mô hình mẫu từ hiệu quả của 2 địa phương này vào công tác chỉ đạo, điều hành đầu tư công cho các địa phương, chủ đầu tư khác.

"Nếu có mô hình mẫu thì địa phương vốn 1.000 tỉ đồng với 2.000 – 3.000 tỉ đồng cũng không khác nhau lắm. Quan trọng là huy động nguồn lực thực hiện", ông Nên nói thêm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Không thể chấp nhận dự án chờ đợi 5 - 6 tháng- Ảnh 2.

Công nhân thi công dự án Vành đai TP.HCM đoạn qua H.Hóc Môn

SỸ ĐÔNG

Liên quan đến chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn chứng tại phiên tòa xét xử "đại án" Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) là người được miễn trách nhiệm hình sự.

"Người này có sai, nhưng vì động cơ cứu người trong bối cảnh rất cấp thiết. Điều quan trọng là cựu Giám đốc CDC Bình Dương không nhận tiền hoa hồng, lại quả, kiên quyết từ chối", Bí thư Nên nói và đánh giá đây là điều công bằng và hợp lý, đúng theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

"Trong những tình huống khó khăn, có những việc vượt thẩm quyền, pháp luật chưa có quy định thì mạnh dạn báo cáo nhanh để cấp có thẩm quyền cho ý kiến, không phải sợ. Chúng ta phải quan tâm chú ý và tôn vinh những giá trị đạo đức đó. Quan trọng nhất là từ chối nhận những khoản tiền sai quy định dù đó là những khoản tiền nhận sau", ông Nên gợi mở.

Năm 2023, TP.HCM được giao vốn đầu tư công hơn 68.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 12.1, TP.HCM giải ngân gần 46.000 tỉ đồng, đạt 67% kế hoạch và dự kiến đạt 72% vào cuối tháng 1.2024 (niên độ báo cáo). Năm 2024, TP.HCM phải giải ngân hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.