Ông Steve Bùi, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam -
Hàn Quốc cho rằng TP.HCM cần phải ứng dụng công nghệ số trong giám sát an ninh để tạo sự an tâm, an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào TP. Bên cạnh việc thu hút đầu tư, TP.HCM cũng cần có những yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải
chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong nước tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm quản lý chứ không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp lao động giá rẻ.
Ông Steve Bùi dẫn chứng
Trung Quốc khi kêu gọi đầu tư đều ràng buộc điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao
công nghệ mới cấp giấy phép, sau hơn chục năm đã tiếp cận được công nghệ của các nước tiên tiến. Đây là kinh nghiệm để TP.HCM học hỏi.
Ông Steve Bùi đề nghị TP.HCM cần tạo sự an tâm, an toàn cho nhà đầu tư
|
Còn GS-TS Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật Bản chia sẻ chuyển đổi số vấn đề thời thượng nhưng nó là "ảo", bản thân chuyển đổi số không tạo ra giá trị vật chất. GS Đặng Lương Mô cũng đề nghị TP.HCM có chính sách yêu cầu nhà đầu tư chuyển giao
công nghệ để làm cơ sở cho doanh nghiệp trong nước sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao, làm giàu cho đất nước.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng Ấn Độ dành hàng chục năm để nghiên cứu phần mềm nhưng thu nhập đầu người cũng chỉ khoảng 2.200 USD, thấp hơn Việt Nam (hiện khoảng 2.800 USD). Những năm gần đây, Ấn Độ đã chuyển dần sang phát triển phần cứng, tạo ra sản phẩm vật chất nhiều giá trị kinh tế hơn.
GS-TS Đặng Lương Mô góp ý TP.HCM cần có chính sách về chuyển giao công nghệ để tạo tiềm lực cho doanh nghiệp trong nước
|
Với ý kiến của kiều bào về định vị thương hiệu quốc gia, thương hiệu TP.HCM, ông Nên đánh giá góp ý này rất sâu sắc bởi thời buổi này làm gì cũng cần phải chú trọng hình ảnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng cần định vị lại mình, quan tâm đến cảm xúc của người dân trên từng lĩnh vực, quan tâm đến sự an toàn, an tâm của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước về môi trường đầu tư và quản trị để tạo tiền đề cho doanh nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực.
“Tôi mong muốn nhận được các ý kiến mổ xẻ, phân tích sâu sắc với tinh thần chân tình, thẳng thắn, không né tránh để TP.HCM tiếp thu và biến thành hành động cụ thể giúp kiều bào yên tâm hơn, có nhiều cơ hội, cảm thấy tự hào khi trở về hợp tác với quê hương”, Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Cam kết từ chính quyền TP.HCM
Trong bài phát biểu trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong bối cảnh TP.HCM cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế thì nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động
kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hồi tháng 7.2020, TP.HCM đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số TP.HCM thể hiện cam kết của TP là địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM (bên phải) bày tỏ trân trọng những ý kiến đóng góp của kiều bào vào sự phát triển chung của TP
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định TP.HCM có nhiều lợi thế để chuyển đổi số như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp năng động và sáng tạo, thị trường đủ lớn và đủ độ thách thức để tạo động lực chinh phục cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ở một khía cạnh khác,
người tiêu dùng ở TP.HCM có tâm lý cởi mở, thích thay đổi, sẵn sàng chấp nhận cái mới. TP.HCM cũng là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng vào với nhiều
trường đại học, cung cấp nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản, tập trung các mô hình công nghệ số, dịch vụ số mới,…
Bên cạnh những lợi thế, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận công cuộc chuyển đổi số ở TP.HCM gặp phải nhiều khó khăn như mức chi ngân sách cho
công nghệ thông tin chỉ khoảng 0,4%. Trong khi đó, mức chi trung bình ở các quốc gia phát triển khoảng 1% ngân sách, đặc biệt như Hàn Quốc chi 2%. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức về chuyển đổi số còn khác nhau, còn nhiều doanh nghiệp e ngại, né tránh hoặc chưa dám tiếp cận do gặp khó khăn vì thiếu về vốn, con người.
Năm 2025, kinh tế số chiếm 25%
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong cơ cấu giá trị tổng sản phẩm TP.HCM thì ngành dịch vụ chiếm 62%, cơn bão Covid-19 khiến ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch bị tác động nặng nề nhất. Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khoảng 90% - 95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng.
Đối với chương trình chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành. TP.HCM xác định sẽ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới; phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước.
Về kinh tế số, ông Phong cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25%. Để đạt mục tiêu đó, ngay từ bây giờ phải triển khai các giải pháp, trong đó cần phải chủ động lắng nghe chuyên gia ở lĩnh vực này để có thêm giải pháp thực hiện mục tiêu đề ra.
|
“Với các mục tiêu và lợi thế nói trên, chính quyền TP.HCM cam kết thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số”, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Bình luận (0)