Tập trung công tác an sinh
Sau bão số 3, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở Hải Phòng đình trệ khiến cho đời sống và việc làm của công nhân, người lao động chịu ảnh hưởng, thậm chí là gặp khó khăn. Vì vậy, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Sở LĐ-TB-XH chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải pháp khắc phục, không được để người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Các cấp, ngành, nhất là công đoàn phải kịp thời triển khai các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động chịu ảnh hưởng do bão; lực lượng vũ trang vẫn phải bảo đảm, an ninh chính trị, phòng cháy chữa cháy.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3, ông Lê Tiến Châu đề nghị đối với các đoàn đang triển khai việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thì giãn, hoãn tiến độ; đối với các đoàn có trong kế hoạch nhưng chưa triển khai thì lùi thời gian sang đầu năm 2025. Giao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam thành phố chỉ đạo trên cơ sở thiệt hại do các đơn vị, địa phương báo cáo, có kế hoạch phân bổ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng nơi; trước mắt phân bổ ngay kinh phí hỗ trợ để các địa phương hỗ trợ người dân thiệt hại nhà sau bão, nhất là các nhà bị tốc mái, sập nhà.
Không được để xảy ra việc trục lợi về chính sách sau bão
Trong công tác khắc phục hậu quả sau bão, ông Lê Tiến Châu yêu cầu cấp bách, kịp thời, phải nắm chắc được các thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật; có hướng dẫn chi tiết cho đơn vị triển khai; các việc thống kê thiệt hại, chi phí sử dụng nguồn nào, mức độ bao nhiêu, đối tượng là ai,... phải bám sát theo quy định; nghiêm cấm việc trục lợi chính sách từ chính sách này.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng giao Ban cán sự đảng UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo huy động mọi nguồn lực; cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3; khẩn trương phân bổ kinh phí để các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học sửa chữa, khắc phục hậu quả; đề nghị Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố phải triển khai các thủ tục đề xuất, thẩm định và trình khẩn cấp, trên tinh thần ưu tiên cao nhất.
Có giải pháp hỗ trợ nông dân thiệt hại sản xuất, nông nghiệp sau bão; trước mắt, nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay để phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.
Sở Công thương, Sở Xây dựng được yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý không để tăng giá vật liệu xây dựng; bảo đảm bình ổn giá và nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng cho biết, thống kê về thiệt hại do bão số 3 gây ra, tính đến 12 giờ ngày 14.9, trên địa bàn Hải Phòng có 2 người tử vong, 65 người bị thương; 102.873 nhà ở bị hư hại; 94 công trình quốc phòng, an ninh bị hư hại; 575 điểm trường bị hư hại; 467 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; 895 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hại.
Bão số 3 cũng khiến 25.561 ha diện tích lúa bị hư hại; 3.305 ha diện tích hoa màu, rau màu bị hư hại; 3.303 ha diện tích rừng bị hư hại; 82.006 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 4.655 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Bão đã làm 3.215 cột điện bị gãy đổ; 70 trạm biến thế bị hư hại; 30.554 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại; 1.268 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại... Tổng thiệt hại tính đến ngày 14.9 được thống kê là gần 10.830 tỉ đồng.
Bình luận (0)