Cảnh báo: Bão số 3 gây lũ lớn thượng nguồn sông Mekong, ĐBSCL triều cường cao

Chí Nhân
Chí Nhân
15/09/2024 09:02 GMT+7

Do ảnh hưởng bão số 3, mực nước trên sông Mekong nhiều nơi ở Lào và Thái Lan vượt mức cảnh báo lũ. Trong khi đó, tại ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về trong nửa cuối tháng 9 gây ngập ở khu vực vùng giữa như TP.Cần Thơ và các tỉnh ven biển.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) vừa phát đi bản tin cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về vùng ĐBSCL. Do ảnh hưởng bão số 3 nên lũ trên sông Mekong ở khu vực thượng Lào và bắc Thái Lan đang có xu thế tăng rất mạnh. Mực nước đỉnh lũ đến ngày 12.9 tại một số trạm vượt mức cảnh báo lũ và mức lũ lớn như Luang Prabang, trạm Chiang Khan vượt mức cảnh báo lũ và tiếp tục tăng có khả năng vượt mức lũ lớn trong các ngày tới. Lũ trên khu vực trung, hạ Lào đang có xu thế tăng do lũ thượng nguồn đổ về.

Cảnh báo: Bão số 3 gây lũ lớn thượng nguồn sông Mekong, ĐBSCL triều cường cao- Ảnh 1.

Tại Cần Thơ, mực nước sông có thể vượt mức báo động 3 trong thời gian từ 19 - 22.9

ẢNH: CÔNG HÂN

Đối với vùng đầu nguồn sông Cửu Long, lũ trên khu vực Campuchia đến ngày 12.9 mực nước tại trạm Kratie là 17,24 m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ vẫn thấp hơn 1,77 m và xấp xỉ năm 2023. Tuy nhiên, dự báo mực nước có xu thế tăng mạnh trong tuần tới do lũ thượng nguồn đổ về.

Tại ĐBSCL, mực nước lũ tại trạm Tân Châu và Châu Đốc đang ở mức thấp; đến ngày 12.9, mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền là 2,21 m so với trung bình nhiều năm thấp hơn đến 1,05 m và tại Châu Đốc là 2,07 m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,8 m.

Tuy nhiên, với ĐBSCL triều cường giữa tháng 8 âm lịch có xu thế tăng và đạt đỉnh từ ngày 19 - 21.9. Đỉnh triều cường có khả năng cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và phổ biến xấp xỉ mức báo động 2, riêng trạm Gành Hào cao hơn mức báo động 3. Trên khu vực biển Tây, triều có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 24 - 25.9, cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm.

Dự báo lượng mưa trong tuần tới trên khu vực hạ lưu sông Mekong ở mức khá cao và có xu thế giảm. Trên khu vực ĐBSCL mưa có xu thế tăng, riêng ngày 18.9 lượng mưa phổ biến từ 20 - 60 mm, một số nơi trên 60 mm.

Kinh hoàng sau bão Yagi: sạt lở đe dọa khắp miền Bắc

Do sự kết hợp của những yếu tố trên khiến mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng trong 1 - 2 tuần tới do mưa lũ thượng nguồn tăng kết hợp triều cường cao. Trong khoảng từ 19 - 22.9, mực nước tại Tân Châu có thể đạt mức từ 3 - 3,2 m, so với trung bình nhiều năm thấp hơn từ 0,5 - 0,7 m và thấp hơn báo động 1 từ 0,3 - 0,5 m. Tại Châu Đốc mực nước dao động từ 2,8 - 3 m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn từ 0,31 - 0,51 m và xấp xỉ mức báo động 1.

Trong khi đầu nguồn mực nước lũ khá thấp thì ở vùng giữa và ven biển lại có khả năng vượt báo động 3. Từ ngày 19 - 22.9, đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 - 2,15 m cao hơn báo động 3 từ 0,05 - 0,15 m. Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95 - 2,05 m cao hơn báo động 3 là 0,15 - 0,25 m. Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5 - 10 cm. Mực nước một số trạm khác cũng đạt mức cao từ báo động 2 - 3 như: Cao Lãnh, Lai Vung (Đồng Tháp) và một số trạm thuộc trung tâm vùng bán đảo Cà Mau gồm Vị Thanh (Hậu Giang), Phước Long (Bạc Liêu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.