Sáng 10.7, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII khai mạc kỳ họp thứ 16 (từ 10 - 12.7).
Kỳ họp "rất đặc biệt"
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh diễn ra trong điều kiện "rất đặc biệt": thiếu chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh.
Do đó, có những nội dung thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định phải dừng lại. Nhiều thành viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu đang khuyết, thiếu cần thay thế, bổ sung nhưng chưa thực hiện được.
Cạnh đó, nửa đầu năm Vĩnh Phúc cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố. "Nhiều cán bộ chủ chốt bị khởi tố, bắt tạm giam, bị kỷ luật ... Cán bộ, công chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều tâm trạng đan xen", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết.
Dù vậy, kết quả kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đạt được khá khả quan. Trong đó, tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,26%, cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2023 (tăng 1,69%). Tổng thu ngân sách ước đạt tăng 3,8% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 50% kế hoạch đề ra.
"Điều rất phấn khởi là Vĩnh Phúc vẫn là vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư", ông An nhấn mạnh và dẫn chứng, trong 6 tháng năm 2024, thu hút đầu tư vốn FDI của tỉnh đạt 435,8 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm.
Trong đó, có 209,9 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Việc gia tăng thu hút vốn đầu tư là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng chỉ rõ, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác quản lý nhà nước, đã được nhân dân và cử tri phản ánh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP nhiều năm qua tuy tăng lên, song mới đạt ở trên mức trung bình, chưa có sự đột phá. Mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,26%, thấp hơn bình quân chung cả nước (là 6,42%), đứng thứ 9/11 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố.
"Vĩnh Phúc là tỉnh có tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm gần 50%. Trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2023, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 là rất đáng lo lắng", ông An nhấn mạnh. Nhất là trong bối cảnh một số tỉnh khác trong khu vực có cùng điều kiện đã, đang phục hồi nhanh và đạt được tăng trưởng 2 con số như Bắc Giang tăng trưởng 14,14%; Hà Nam tăng trưởng 10,19%; Hải Dương tăng trưởng 10%...
Cạnh đó, thu ngân sách của Vĩnh Phúc còn phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất ô tô, xe máy, trong đó chỉ 2 công ty đã đóng góp trên 60% thu nội địa hàng năm của tỉnh.
Mỗi du khách đến Vĩnh Phúc mới tiêu 370.000 đồng
Về dịch vụ, du lịch, dù có nhiều cảnh quan đặc sắc như Tam Đảo, Tây Thiên, Hồ Đại Lải... song doanh thu du lịch của Vĩnh Phúc rất thấp. Năm 2022 có 8,2 triệu lượt khách với mức doanh thu 3.282 tỉ đồng, trong 6 tháng năm 2024 có 5,89 triệu lượt khách với mức doanh thu chỉ đạt 2.280 tỉ đồng.
Nói cách khác, mỗi khách du lịch đến tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiêu khoảng 370.000 đồng. Dù mức chi tiêu này chưa được thống kê đầy đủ, nhưng ông An cho rằng, con số "quá nhỏ" như vậy cho thấy hiệu quả của ngành du lịch là rất thấp, cần có chiến lược cụ thể để phát triển du lịch của tỉnh đạt hiệu quả hơn.
Về giải ngân đầu tư công, dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng Vĩnh Phúc chỉ đạt 35%, riêng tỷ lệ giải ngân cấp tỉnh đạt 18,7%, thấp hơn bình quân chung cả nước.
Ngoài ra, cải cách hành chính chưa đi vào thực chất, kết quả đạt được chưa cao; tình trạng chậm, muộn giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều. Tỷ lệ hồ sơ nộp dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ của các thủ tục đủ điều kiện còn thấp (mới đạt khoảng 50% những thủ tục đủ điều kiện).
"Việc thực hiện xin lỗi, thông báo bằng văn bản đến người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính chậm hạn chưa được thực hiện thường xuyên theo quy định", ông An nêu.
Các chỉ số đánh giá địa phương trong các lĩnh vực cải cách hành chính (PAR INDEX), năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) của Vĩnh Phúc chưa tốt, 3 chỉ số giảm thứ bậc xếp hạng so với các năm trước.
Để lấy lại đà tăng trưởng cho Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh nhiều mục tiêu phải đạt được trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực còn yếu như tái cơ cấu ngành công nghiệp, thu hút đầu tư vào các dự án giá trị cao, công nghệ cao...
Cạnh đó, ông An cũng đề nghị Thường trực HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri. Kịp thời nêu ý kiến phê bình, chấn chỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm trễ, để kéo dài hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Bình luận (0)