Sáng 16.10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Công thương TP.Đà Nẵng.
Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng, cho biết một trong các nguyên nhân khiến ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) với các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong ngành nhựa, điện cơ, cơ khí, du lịch… không vươn lên được, chỉ trừ một doanh nghiệp dệt, là do bị chia nhỏ cổ phần hóa, hoặc cổ phần hóa hơi sớm khi chưa sắp xếp, nên không hiệu quả.
tin liên quan
Bí thư Đà Nẵng: Xử nghiêm sai phạm 'thử xem Mường Thanh có ai chống lưng'Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng vai trò công nghiệp chưa tương xứng. Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh rất nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào 1 số doanh nghiệp lớn về bia, cao su. Ông Đồng nhận định hiện tại nếu TP.Đà Nẵng không hỗ trợ phát triển các ngành chủ lực thì các doanh nghiệp sẽ rời Đà Nẵng, chuyển dịch về các KCN phía nam.
Tại buổi làm việc, bàn trực tiếp đến các vấn đề được nêu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt ngược lại vấn đề, rằng việc "mất ngành công nghiệp" là do thiếu hiệu quả trong cổ phần hóa hay thực chất vì "chuyển hướng lệch lạc" sang bất động sản, du lịch mà quên đi mảng sản xuất ?
“Quảng Nam - Đà Nẵng từng có các doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành cơ khí ô tô, dệt, nhựa... Những lĩnh vực này hiện vẫn là xu hướng, là chủ công xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng TP.Đà Nẵng có sự lệch lạc trong phát triển, quá quan tâm phát triển hạ tầng, đô thị, dân cư, thậm chí có lúc dư mười mấy ngàn lô đất tái định cư, thì tôi không hiểu được. Trong khi đó, khối sản xuất lại ít được quan tâm”, ông Nghĩa nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa so sánh tình trạng giảm sản xuất ở các doanh nghiệp Nhà nước, việc thanh lý các cơ sở sản xuất... giống như “nuôi mãi mới được con gà đẻ trứng vàng thì đem bán hết”, trong đó cổ phần hóa chủ yếu nhắm vào đất.
Đà Nẵng muốn "giữ" Chi cục Quản lý thị trường
Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng, cho biết TP.Đà Nẵng chấp hành việc sáp nhập lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) về Tổng cục QLTT Bộ Công thương, nhưng cho rằng "QLTT không gắn với cơ sở thì khó bình ổn giá cả".
Giám đốc Sở Tài chính TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết mặc dù đã chuyển giao QLTT về Bộ nhưng TP.Đà Nẵng vẫn phải chi các khoản cho lực lượng QLTT đến hết 2018. Ông Phụng đề nghị QLTT vẫn thu nộp về ngân sách địa phương trong thời gian Bộ Công thương, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về các khoản thu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng lực lượng QLTT nên gắn với địa bàn để dễ phối hợp với công an, chính quyền, trong bối cảnh địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm về các vấn đề hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng...
|
Bình luận (0)