Bị 'VIP mạo danh' lừa đảo, nhiều nạn nhân ngậm bồ hòn làm ngọt

31/07/2015 14:00 GMT+7

(TNO) Các vụ án mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát hay ngân hàng nhà nước... để lừa đảo gần đây xảy ra thường xuyên. Nhiều nạn nhân không dám tố cáo hành vi của những kẻ mạo danh vì sợ liên lụy, nên đành... ngậm bồ hòn làm ngọt.

(TNO) Các vụ án mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát hay ngân hàng nhà nước... để lừa đảo gần đây xảy ra thường xuyên. Nhiều nạn nhân không dám tố cáo hành vi của những kẻ mạo danh vì sợ liên lụy, nên đành... ngậm bồ hòn làm ngọt.

Mạo danh cán bộ nhà nước lừa hàng tỉ đồng Một nhóm bị cáo giả danh là điều tra viên công an TP.Hà Nội lừa đảo nhiều tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Lê
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa thủ đoạn mạo danh cán bộ để lừa đảo.
Mạo danh phó trưởng công an TP.Hà Nội 
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa phá được vụ án mạo danh công an, mạo danh nhân viên viễn thông để lừa đảo.
Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là mạo danh người có chức vụ, quyền hạn thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến vụ án rửa tiền, ma túy... 
Theo hồ sơ vụ án, bắt đầu từ năm 2013, nhóm tội phạm này gọi điện cho nhiều người ở Việt Nam, tự xưng là công an, đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định vì "có liên quan đến án rửa tiền, buôn ma túy".
Ngày 13.2.2014, bà Nguyễn Thị B.L (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) tố cáo lên công an về việc ngày 12.2.2014, bà nhận được điện thoại thông báo đã chuyển hồ sơ đến công an Hà Nội, yêu cầu bà gọi vào một tổng đài để gặp cán bộ điều tra.
Khi bà B.L gọi điện thì gặp một người đàn ông tự xưng là phó trưởng Công an TP.Hà Nội) thông báo bà đang đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến hoạt động rửa tiền mà cơ quan điều tra đang thụ lý điều tra.
Người này đe dọa bắt giam bà B.L, buộc bà chuyển số tiền trên vào "tài khoản của thanh tra công an" để giám định.
Do sợ ảnh hưởng đến hồ sơ xuất cảnh, bà B.L thực hiện yêu cầu. Sau đó, nghi bị lừa, bà B.L tố giác đến cơ quan công an.
Tháng 7.2014, Công an Tiền Giang đã bắt giữ Bùi Anh Tuấn (ảnh nhỏ) vì hành vi mạo danh "đại úy Công an Tiền Giang" để lừa đảo - Ảnh: Phương Hà
Mạo danh cán bộ viện kiểm sát 
Vụ án lừa đảo của Lưu Tuấn Kiệt và đồng bọn cũng diễn ra với hình thức này. Lưu Tuấn Minh (anh trai Kiệt, đang bỏ trốn) trực tiếp tham gia vào đường dây lừa đảo có tổ chức do Chen Zhi Hao (Trung Quốc) cầm đầu. Minh giữ vai trò quản lý và lôi kéo em trai mình và đồng bọn vào hoạt động lừa đảo, điều hành hoạt động rút tiền lừa đảo và làm đầu mối thu gom tài khoản tại TP.HCM để cung cấp cho đồng bọn sử dụng làm phương tiện chuyển tiền lừa đảo.
Mạo danh "cán bộ trung ương"
Tháng 11.2014, đối tượng Lê Công Hợp (ngụ TP.Thanh Hóa) đến một khách sạn ở Thanh Hóa, nơi đón tiếp các đại biểu trung ương về dự lễ công bố quyết định TP.Thanh Hóa lên đô thị loại I, xưng danh là cán bộ Văn phòng Chính phủ để nhận quà, tài liệu, kèm tiền mặt 5 suất quà là 2,2 triệu đồng.
Khi Hợp đang nhận quà thì bị các trinh sát bắt giữ. Theo điều tra ban đầu, Hợp thất nghiệp, nhưng với tài ăn nói và vẻ bảnh bao bên ngoài, Hợp thường đến các nơi tổ chức sự kiện, giả danh là cán bộ cao cấp của tỉnh hoặc Văn phòng Chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp bị Hợp lừa để chạy dự án, công trình xây dựng…
Nhóm tội phạm lựa chọn ngẫu nhiên, thực hiện cuộc gọi đến thuê bao cố định 31 người bị hại, giả danh nhân viên công ty Viễn thông Việt Nam thông báo nợ cước. Rồi tiếp tục giả danh Công an TP.Hà Nội, Công an tỉnh Tây Ninh, cán bộ viện kiểm sát ... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của ban chuyên án rồi lừa đảo và chiếm đoạt.
Từ ngày 6.1.2014 đến ngày 26.2.2014, chúng đã lừa đảo 31 bị hại với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng.
Theo đại úy Nguyễn Nam Hào, điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc mạo danh các cán bộ nhà nước, người có uy tín... chủ yếu để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo thường là những người có trình độ, nói chuyện hay, có hiểu biết về lĩnh vực ‘hứa chạy chọt’, là những người có quan hệ xã hội tương đối rộng. Trước khi lừa "con mồi", các đối tượng này thường tìm hiểu rất kĩ về người mình mạo danh để có thể "nổ" với bị hại.
Cũng theo đại úy Hào, đã có nhiều vụ án mà những nạn nhân trót nghe theo lời đường mật của các tội phạm đã phải ngồi tù vì tội "đưa hối lộ".
Nạn nhân không dám tố cáo
Hồi tháng 5.2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bắt giữ Trần Hoài Linh (24 tuổi, ngụ Thanh Hóa) vì Linh đã giả danh là cán bộ Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, đăng tải thông tin trên mạng xã hội để tuyển dụng cán bộ. Nhiều bị hại đã liên hệ với Linh để nộp hồ sơ, những người đến liên hệ Linh đều lấy trước 30 triệu đồng.
“Việc giả mạo như Linh không chỉ gây thiệt hại cho chính những người bị hại phải mất tiền, tài sản để giao cho những kẻ mạo danh thì còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân cán bộ nhà nước bị mạo danh. Gây mất lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước và những người có uy tín trong xã hội”, đại úy Hào phân tích.
Theo đại úy Hào, đã có nhiều trường hợp những người bị hại không dám tố cáo hành vi của những kẻ mạo danh vì sợ bị phát hiện là mình đã chạy chọt (cũng là hành vi vi phạm pháp luật) nên phải "ngậm bồ hòn", hoặc tìm cách đòi lại tài sản bằng các biện pháp như như xin xỏ, hăm dọa, thậm chí thuê giang hồ.
Đại tá Vũ Hoàng Kiên (Cục phó Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an) khẳng định, những hành vi này cần được xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân, bảo vệ uy tín của các cơ quan nhà nước, những người có uy tín trong xã hội.

Bộ trưởng Công an chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang vừa có văn bản chỉ đạo Tổng cục Chính trị phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn cũng như phòng ngừa, cảnh giác với thủ đoạn “mạo danh VIP”.

Văn bản này nêu rõ, gần đây đã xảy ra hiện tượng một số đối tượng mạo danh cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan T.Ư và địa phương, mạo danh thân nhân các cán bộ này để thực hiện các hành vi như: can thiệp vào hoạt động xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; lừa đảo, can thiệp trong lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng cán bộ, nhân viên, xin cấp dự án...
Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.