Từ ngày 24.2.2020 khi Nghị định 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó quy định về “hạn chế hình ảnh diễn viên uống bia rượu trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình”, nhiều người băn khoăn về rào cản từ luật có làm mất đi tính thăng hoa sáng tạo của người làm nghệ thuật hay không.
Không có sáng tạo nào bắt đầu từ vô nguyên tắc
Bia rượu là một phương tiện hiệu quả để truyền tải các cảm xúc nội tâm của nhân vật. Việc hạn chế hình ảnh bia rượu trong tác phẩm phim ảnh, tác phẩm sân khấu khiến nhiều người hoài nghi về sáng tạo trong diễn xuất sẽ bị ràng buộc.
Theo góc nhìn của đạo diễn Hoàng Duẫn: “Nghị định 24, bản chất không làm mất đi tính sáng tạo trong tác phẩm. Mà phải nói, điều này đang làm hạn chế đề tài. Vì nghệ thuật phản chiếu cuộc sống, còn bia rượu là chất liệu cuộc sống”. Tuy nhiên từ sự thân quen của hình ảnh bia rượu trong sinh hoạt văn hóa của người Việt, khiến đạo diễn phải nhìn nhận: “Nếu diễn tả một đám cưới miền Tây mà không uống bia rượu thì đâu thể nào đúng tên gọi là đám cưới miền Tây được nữa”. Đạo diễn cho rằng cần biết dừng, “gọt” ở điểm thừa nếu thấy rằng hình ảnh bia rượu không có chức năng truyền tải nội dung, tính phê phán hay thể hiện bối cảnh.
|
Làm thế nào để thay thế hình ảnh men say được nhiều nhà sản xuất và giới làm phim quan tâm. Như chia sẻ từ đạo diễn Phùng Nguyên: “Lúc đầu là thật sự khó, nhưng chúng ta nên cố gắng học hỏi tối đa về cách diễn tả hoàn cảnh, và tìm những phương thức mới để thay thế được chai bia, chai rượu trên màn ảnh”. Mặt khác, đạo diễn cho rằng nghị định không làm bế tắc sáng tạo của nhà sản xuất, giới làm phim, vì có những hướng mở trong quy định: “Với những nhân vật kinh điển, luôn đưa đời vào rượu như Chí Phèo, thì chúng ta đâu có cách nào thay thế. Theo nghị định có những trường hợp cho phép, nó không quá cứng nhắc đến mức phá hủy hình tượng tạo hình nhân vật kinh điển”.
Nhìn nhận từ góc độ diễn xuất, NSND Hữu Châu cho rằng: “Đối với diễn viên sẽ gây nên khó khăn. Nhưng đã là quy định, thì vẫn phải tôn trọng. Tuy nhiên nên xem xét ở từng hoàn cảnh, từng trình độ văn hóa nhân vật, có những nhân vật khi sầu thương là tìm đến bia rượu. Cũng có những người thất tình, người ta buồn, người ta vẫn không uống rượu bia. Cuộc đời sao thì trong nghệ thuật như vậy. Vì vậy đừng nên quá lạm dụng, cũng đừng nên cấm đoán cứng nhắc trong một tác phẩm”.
Ràng buộc trong nguyên tắc văn hóa có thể mang đến sự khó khăn nhất định trong cách bài trí bối cảnh, cách khắc họa chân dung nhân vật. Tuy nhiên đặt trong khuôn mẫu quy định thì sẽ mang lại chuẩn mực cho giá trị của tác phẩm. TS.Trịnh Đăng Khoa, Trưởng khoa quản lý Văn hóa-Nghệ thuật trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho rằng quy tắc của văn hóa không làm hạn chế khả năng sáng tạo, mà nó giúp tác phẩm bỏ đi những chi tiết thừa, để mang tính tích cực hơn.
Nên chi tiết hơn ở quy định về những cảnh bia rượu
Trước đó theo Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL quyết định cấm hình ảnh thuốc lá trong phim ảnh và cũng có những trường hợp ngoại lệ mượn hình ảnh điếu thuốc để khắc họa nhân vật. Theo đạo diễn Phùng Nguyên: “Ngoài Việt Nam, có những quốc gia khác hạn chế hình ảnh thuốc lá và những tác phẩm kinh điển liên quan đến điếu thuốc, như Lucky Luke cũng buộc lòng điều chỉnh. Điện ảnh Việt đã làm tốt điều này, thì vấn đề hạn chế hình ảnh bia rượu trong nghệ thuật, tương lai sẽ giống như thế, mới đầu nghe thì hơi sốc nhưng dần sẽ quen”.
|
Với nhiều chuyên gia văn hóa, Nghị định 24 được đánh giá là một khuôn mẫu để giải quyết vấn nạn lạm dụng hình ảnh bia rượu trên phim ảnh. Tuy nhiên để dễ dàng cho công tác quản lý và thuận lợi cho khâu sản xuất phim thì cần rõ ràng, chi tiết cụ thể hơn trong quy định. Đạo diễn Hoàng Duẫn đề xuất: “Nên chi tiết hơn ở quy định về những cảnh có bia rượu. Quy định về thời lượng khung cảnh cho các nhà làm phim có thể đăng ký, chẳng hạn đoạn uống bia rượu không quá bao nhiêu phút/bao nhiêu giâythì sẽ dễ dàng cho phía nhà sản xuất hơn”.
Nên tạo sự văn minh cho phim Việt
Sự lạm dụng hình ảnh bia rượu khi không có chức năng phản ánh nội dung có nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Theo TS.Trịnh Đăng Khoa: “Vì nghệ thuật mặc nhiên có chức năng truyền thông, người xem có thể bị ảnh hưởng và lâu dần thành thói quen, bắt chước hành động. Nếu tầng suất cảnh diễn bia rượu xuất hiện quá nhiều sẽ tác động không tốt tới xã hội”. Trong khi đạo diễn Phùng Nguyên cho rằng: “Chúng ta nên tạo sự văn minh cho phim ảnh Việt, tuy thật khó khăn ở hiện tại nhưng đến những thế hệ kế tiếp sẽ tạo ra khuynh hướng tích cực trong nội dung phim ảnh”.
|
Bình luận (0)