TNO

Bia và sách, những con số thật buồn

16/03/2016 09:57 GMT+7

(iHay) Thời ấy, những cuốn sách không chỉ được đặt ngay ngắn trên bàn mà còn nằm sẵn trên đầu giường, trên chiếc chõng tre, bên cánh võng…để có thể đọc bất cứ lúc nào.

(iHay) Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, sách là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần đối với đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là tầng lớp HSSV. Nói không ngoa, thời ấy, những cuốn sách không chỉ được đặt ngay ngắn trên bàn mà còn nằm sẵn trên đầu giường, trên chiếc chõng tre, bên cánh võng…để có thể đọc bất cứ lúc nào, hễ tiện tay là cầm cuốn sách lên.

>> Độc đáo hiệu sách chỉ trưng bày một quyển duy nhất

Ảnh minh họa: TL

Ngủ hầm tránh bom đạn, sách vẫn là người bạn không thể rời trong những đêm chiến tranh. Sinh động hơn, vào những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, không hiếm những cuốn sách nằm dưới đáy ba lô của những anh bộ đội vừa xếp bút nghiên ra mặt trận. Đương nhiên thời ấy, một quyển sách có thể sống lâu hơn một đời người.
Sách là tinh hoa cuộc sống, lương tâm của nhân loại, là hình bóng những cuộc đời chính trực, là tâm hồn của những thế hệ đã xa. Đủ biết những gì đã qua không có nghĩa là đã mất mà luôn can dự vào hôm nay, ngày mai và mãi mãi dưới dạng những cuốn sách.
Thời đó, HSSV khi gặp nhau, nói gì thì nói vẫn có chỗ để bàn về dư vị, âm vang từng cuốn sách đã đọc. Họ trao đổi sách cho nhau, chuyền tay nhau những cuốn sách mà họ thấy đời mình, bóng dáng của dân tộc mình trong đó. Học sinh trung học đến trường, câu họ “chào nhau” là đã đọc, đang đọc cuốn sách mới nào.
Ở nông thôn sách thiếu, nhưng lòng yêu sách của thanh thiếu niên không hề thiếu. Trưa tan học, đi bộ đường xa, phút ngồi nghỉ dưới bóng cây là lúc những cái đầu chụm lại, xúm xít xem chung một cuốn sách. Đó là những câu chuyện nhẹ nhàng và cảm động về tình yêu đất nước, là những bài thơ bàng bạc dáng hình Tổ quốc thân thương, là những truyện ngắn đong đầy tình quê và hồn quê, là những tiểu thuyết đầy ắp tình người, tình yêu cuộc sống ở những chân trời xa xôi nào đó.
Sau tháng 4.1975, trong những ngày “dọn dẹp văn hóa cũ”, nhiều người tròn mắt khi thấy có những cuốn sách được chủ nhân viết nắn nót bằng tay. Đó là những cuốn sách chép lại truyện ngắn, thơ của Trần Dân, Phùng Quán, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... Hồi đó, sách không thiếu đến mức phải chép lại. Nhưng điều đó nói lên lòng trân quý tinh hoa của sách biết nhường nào. Rõ ràng thời ấy, chúng ta không thua gì người Anh, người Nhật: Hễ bước lên xe buýt, tàu điện là mở sách ra.
Đó là những hoài niệm về sách của một thời chưa xa. Giờ đây số người đọc sách dần thưa vắng. Vì sao? Có thể do đời sống chảy xiết. Có thể do phần lớn thời gian người ta mướt mồ hôi cho cơm áo gạo tiền. Những lý do trên có thể chưa phải là nguyên nhân chính, nhưng rõ ràng là người trẻ hiện nay đang hững hờ với sách.
Xưa, nhận quà tặng là cuốn sách thì mừng lắm. Nay, chuyện tặng sách nhiều khi bị cho là phù phiếm, không thực tế. Xưa, chủ nhật là rủ nhau đến thư viện, đến tiệm sách, đi thuê sách về đọc. Nay, thay vì đến với sách, người ta đến với tiệc tùng, với karaoke. Xưa, nhiều gia đình chăm chút cho cái tủ sách kim cổ đông tây, coi sách là giềng mối, là nếp nhà sáng trưng chữ trí, chữ tâm. Nay, không ít những gia đình khá giả chỉ chăm bẵm lo “cập nhật” cái tủ rượu của mình. Họ sưu tầm rượu của các hãng nổi tiếng. Sách vì thế phải đội nón ra đi.
Thống kê cho thấy nước mình mỗi năm tiêu thụ trên 3 tỷ lít bia trong khi bình quân mỗi người chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Bia và… sách, những con số thật buồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.