BIDV chưa xem xét góp vốn vào ngân hàng hợp nhất

06/12/2011 17:28 GMT+7

(TNO) Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, BIDV chưa xem xét việc tham gia kinh doanh và có mặt trong HĐQT của ngân hàng hợp nhất từ ba ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn.

(TNO) Chiều nay 6.12, tại buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng hợp nhất của Ficom bank, Tín Nghĩa bank và Sài Gòn bank, ông Trần Bắc Hà cho biết: “Cả ba ngân hàng trên hợp nhất theo tinh thần tự nguyện. BIDV theo sự chỉ đạo của NHNN đã thực hiện việc hỗ trợ nhiều mặt từ: thanh khoản, quản trị, nguồn lực trước, trong và sau quá trình hợp nhất”.

BIDV chỉ tham gia hỗ trợ

Ông Hà cho biết, trước khi thực hiện hợp nhất ba ngân hàng nói trên có xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản và được BIDV hỗ trợ dư nợ khoảng 2.400 tỉ đồng.

Sau khi ký hợp tác, ông Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ từ nguồn vốn, cam kết rằng tất cả các khoản gửi của người gửi hợp pháp sẽ không bị ảnh hưởng. Sau khi BIDV tham gia vào hỗ trợ tại ngân hàng hợp nhất này thì tính thanh khoản sẽ được cải thiện và ổn định, khách hàng có thể đến rút, gửi tiền bất cứ lúc nào đều được thanh toán đầy đủ”.

Chính ông Hà cũng thông báo cho toàn bộ hệ thống ngân hàng của mình và phát lời kêu gọi đến nhân viên, lãnh đạo chi nhánh BIDV nếu có tiền nhàn rỗi hãy gửi vào các ngân hàng nói trên.

Trước khi tham gia hỗ trợ, BIDV cũng đã khảo sát hoạt động ba ngân hàng này và xác định được trách nhiệm để có thể hỗ trợ tốt hơn ở các mặt: năng lực quản trị điều hành, quy mô mạng lưới, nguồn lực con người.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ từ nguồn vốn, cam kết rằng tất cả các khoản gửi của người gửi hợp pháp sẽ không bị ảnh hưởng. Sau khi BIDV tham gia vào hỗ trợ tại ngân hàng hợp nhất này thì tính thanh khoản sẽ được cải thiện và ổn định, khách hàng có thể đến rút, gửi tiền bất cứ lúc nào đều được thanh toán đầy đủ.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV

Ngoài ra, theo ông Hà, BIDV hoàn toàn chưa hề sở hữu ngân hàng hợp nhất này.

“Chúng tôi chưa đặt vấn đề tham gia vào HĐQT ngân hàng này. Chi phí hợp nhất phát sinh và nghĩa vụ nợ từ ngân hàng hợp nhất này thì ba ngân hàng nói trên phải chịu”, ông Hà khẳng định.

Sau khi ký kết hợp tác, BIDV sẽ thảo luận một số nội dung cụ thể trong vấn đề hợp tác trên từng lĩnh vực với ngân hàng hợp nhất nói trên.

Tái cấu trúc ngành ngân hàng

Trả lời câu hỏi, lộ trình của việc củng cố ngân hàng hợp nhất nói trên là bao lâu và tên gọi của ngân hàng mới này là gì? Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết, theo lộ trình đề ra thì quá trình củng cố sẽ kéo dài khoảng 3 năm.

Theo ông Tuấn, ở năm đầu tiên ngân hàng hợp nhất sẽ tập trung xử lý nợ, giảm tài sản khó theo hệ số an toàn của NHNN. Nếu làm tốt việc này, ông Tuấn cho rằng sẽ tăng tính thanh khoản cho ngân hàng hợp nhất nói trên.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, vấn đề hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng hợp nhất sẽ được vay mượn trên cơ sở với BIDV. Hiện tại, Ban trù bị của ngân hàng hợp nhất sẽ lựa chọn tên gọi mới cho ngân hàng này và sẽ có báo cáo trước ngày 25.12 với Thống đốc NHNN. Nếu được Thống đốc chấp thuận thì dự kiến vào ngày 1.1.2012 tên ngân hàng hợp nhất này sẽ được công nhận.

Vì sao chọn BIDV tham gia hỗ trợ cho ngân hàng hợp nhất này, ông Tuấn giải thích: “NHNN chỉ định BIDV tham gia ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại ba ngân hàng này là sự lựa chọn chính đáng. BIDV là ngân hàng lớn, có tiềm lực quản trị, có năng lực quản lý, là một ngân hàng được Nhà nước chọn lựa để cổ phần hóa”.

Vấn đề thanh khoản sau khi ba ngân hàng này tự nguyện hợp nhất theo ông Tuấn sẽ được đảm bảo. Tất cả mạng lưới, điểm giao dịch và chứng từ sẽ được chuyển thành một tên gọi của ngân hàng mới. Các điểm giao dịch và các nghĩa vụ nợ sẽ được chuyển sang ngân hàng mới đầy đủ và không phân loại ra.

Đánh giá về chủ trương hợp nhất ba ngân hàng nói trên, Phó Thống đốc Trần Minh Tuấn cho biết trong quá trình xúc tiến để thực hiện việc hợp nhất, ba ngân hàng xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản tạm thời cần sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn. Sau khi được sự hỗ trợ từ NHNN, BIDV và một số ngân hàng lớn đến giờ thì “cơ bản tạm ổn”.

Theo ông Tuấn, việc hợp nhất ba ngân hàng nói trên cũng là việc làm bình thường. Điều đó không làm ảnh hưởng đến hoạt động của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống tổ chức tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại ba ngân hàng nói trên luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý.

Trong bối cảnh thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại của Đảng, Chính phủ, NHNN thì việc hợp nhất ba ngân hàng trên là sự phù hợp về chủ trương, định hướng và được xem là những ngân hàng tiên phong trong tiến trình tái cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.