Anh, một nghệ sĩ không thể nào "nghệ sĩ" hơn. Có cái gì đó rất nhẫn nại, rất nhẹ nhàng, lại vô cùng sâu thẳm từ con người anh. Chưa bao giờ tôi nghe bất cứ một lời than vãn nào từ anh, ngoài nụ cười hiền lành cùng những "skill guitar" rất "Kim Tuấn". Không tin, bạn thử nghe lại Rừng xưa đã khép trong album Xích lô mà xem, câu guitar mãnh liệt một cách sâu thẳm. Và Biển cạn cũng thế: mãnh liệt và sâu thẳm!
- Sao cháu nghe bài hát này cháu cảm thấy một tình yêu cuộn trào như sóng biển của một người…
- … Dành cho người kia phải không?
- Dạ đúng. Nhưng nó quá lớn, mênh mông và da diết không diễn tả bằng lời được. Chỉ hình dung như biển cả ấy…
- Có lúc xanh thẳm, nhưng có khi lại cũng vô vọng và buồn đến tận cùng luôn phải không?
- Dạ phải…
- Nhưng cháu vẫn cứ muốn nghe hoài đúng không?
- Dạ đúng, muốn nghe hoài. Cháu không nghĩ là có một người lại yêu người kia đến "kinh khủng" vậy. Đến mức biển cũng có thể cạn...
Biển cạn là thế! Nghe là muốn nghe hoài, dù nó làm con tim ta thổn thức, đau nhói và vô vọng giùm cho người trong cuộc như thể là cuộc đời của chính ta vậy. Mà cũng có khi là chính ta thật, vì trên đời này số người hạnh phúc, yêu và được yêu có được nhiều nhặn gì đâu chứ.
Tôi không hiểu bằng cách nào mà anh Kim Tuấn lại viết được giai điệu của Biển cạn một mạch từ đầu đến hết bài như thể một con sóng từ khi mới hình thành, từ từ cuộn trào, dâng cao rồi cuối cùng kết thúc khi tràn vào bờ một cách không thể tách rời đến vậy. Cảm giác như Biển cạn có một giai điệu không thể chia cắt thành đoạn được, mà cứ cuốn, cứ cuốn và đưa ta đến đỉnh của con sóng cảm xúc rồi tan biến khi xô vào bờ cát. Có thể nào là nỗi lòng và câu chuyện của riêng anh chăng? Vì nó mang một vẻ đẹp chân thật tự lòng, đến nỗi một cô bé mới mười tám tuổi khi nghe Biển cạn đã không cầm lòng được trước một tình yêu quá mãnh liệt nhưng lại thật nhỏ bé, vô vọng trước cuộc đời đầy ảo vọng như con sóng lớn chồm lên rồi vỡ tan:
"Có người
Từ lâu nhớ thương biển
Ngày xưa biển xanh
Không như bây giờ biển là hoang vắng
Lời tôi nhỏ bé, tiếng gió thét cao, biển trăm nỗi đau.
Tình em quá lớn, sóng cũng vỡ tan, đời tôi đánh mất"
Vì sao Biển cạn mang một vẻ đẹp khó cưỡng nhưng lại cũng buồn thăm thẳm đến thế? Vì giai điệu giọng thứ buồn đặc trưng rất cổ điển của nó. Ở đó, sự tương quan những nối tiếp hòa âm các bậc V-I, VII giảm - I thường xuyên xuất hiện tạo cảm giác buồn thăm thẳm. Một nỗi buồn mà những ai từng đứng một mình trên bãi biển chiều khi thủy triều rút xa tít ngoài kia, từng cơn gió thét gào ngả nghiêng hàng phi lao, sẽ thấm thía. Nếu bạn còn nhớ khúc Adagio cung sol thứ của Albinoni thì sẽ nhận thấy Biển cạn có sự tương đồng: phong cách neo-baroque.
Nếu như với Kiếp dã tràng của Từ Công Phụng, bài toán khó cho người hòa âm phối khí là làm sao tránh sự lê thê vì bài hát có cấu trúc khá dài với sự tái hiện nguyên xi phiên khúc, thì ở Biển cạn, là sự thử thách để người phối biến hóa sao cho bản phối của giai điệu ngắn gọn tuyệt đẹp rất cổ điển này đủ hấp dẫn như một tác phẩm khí nhạc, để diễn tả vẻ đẹp và bi kịch của một tình yêu thật mãnh liệt. Thật sự chưa có một bản phối nào từ trước đến nay khai thác triệt để chất neo-baroque của Biển cạn thỏa mãn tôi, mà chỉ dừng lại ở tính chất đệm cho giọng hát. Tôi chưa thấy bản phối nào mà dàn dây nghe “đã” như khúc Adagio của Albinoni dành cho Biển cạn để tương xứng với “tiếng gió thét cao, biển tràn nỗi đau” của bài hát.
Chúng ta ai mà không biết và yêu Biển cạn chứ, nhất là thế hệ từ 6X đến 8X. Tôi chắc rằng mỗi khi đi karaoke thư giãn cùng bạn bè, thể nào bạn cũng hát tuyệt khúc này. Nhưng bạn có nhận ra điều gì ẩn dưới những lời ca vô cùng khao khát và cũng đầy tuyệt vọng về một tình yêu, cùng với giai điệu buồn sâu thẳm của Biển cạn không?
“Đời tôi nhỏ bé trước những khát khao chìm trong nỗi đau
Tình em quá lớn với những đam mê làm nên oan trái…”
Đừng để tham vọng cao lớn nhưng dễ vỡ tan như những ngọn sóng kia giết chết tình yêu!
Bình luận (0)