- Anh mới phối bài Kiếp dã tràng, em nghe thử không?
- Gởi cho em liền đi…
- Giờ anh mới biết là Từ Công Phụng viết bài hát năm 1968 tại Nha Trang. Nó đã 56 tuổi, bằng tuổi anh.
- Trời đất ơi! Giờ em mới biết...
Thật vậy! Tôi biết Kiếp dã tràng lâu rồi chứ không phải bây giờ, từ thời học sinh mấy đứa chụm đầu vào nghe chung cái máy CD và cassette kìa. Nó hấp dẫn tôi bởi sự mơ mộng, bởi cái không gian thấm đẫm mùi biển, và nhất là bởi vẻ đẹp “kinh điển” của một bài hát được viết từ tận 1968, năm tôi mới chào đời. Bất cứ cu cậu học sinh nào “ghiền hợp âm” là ghiền bài hát này. Tôi cũng không ngờ là âm nhạc Việt Nam từ thời xa xưa đã có một bài hát đẹp như vậy. Nếu bạn đã biết đến Somewhere cver the rainbow, hay What a wonderful world… thì Kiếp dã tràng là một bài hát kiểu như vậy: đẹp từ giai điệu, hòa âm cho đến ca từ. Di sản của Từ Công Phụng thì rất nhiều bài hát, nhưng với riêng tôi, tôi đặc biệt ấn tượng với Kiếp dã tràng nhất trong sự nghiệp của ông.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là Kiếp dã tràng ẩn chứa một nền hòa âm cực đẹp. Thường một giai điệu hay một bài hát có hai dạng. Ở dạng đầu tiên, dù bạn có cố xoắn não để tìm những nối tiếp hay một khung hòa âm hoàn hảo thì kết quả cuối cùng cũng chỉ là một chiếc áo khoác gượng gạo. Bởi vì bản thân giai điệu hay bài hát ấy không ẩn chứa khả năng để có một nền hòa âm đẹp. Nếu có cố thì cũng chỉ càng nhạt thêm. Kiếp dã tràng lại rơi vào trường hợp thứ hai. Khi giai điệu bài hát vang lên thì một người hòa âm ít sáng tạo nhất cũng có thể nhận ra cái chuyển động những hợp âm tuyệt đẹp của bài hát trong đầu rồi. Anh ta có cố làm khác cũng không được. Vì thế, Kiếp dã tràng đã mang một vẻ đẹp hòa âm tự nhiên từ chính giai điệu: khoan thai như từng bước chân trên cát. Sự nối tiếp nhau, chuyển động hòa âm cho ta cái cảm giác chập chùng của đại dương, nhưng lại rất chặt và khúc chiết.
Biển thì lúc nào cũng đẹp. Nhưng cái thời khắc làm cho ta cảm xúc nhất, và cảm nhận rõ nhất cái bao la, mênh mông, buồn thăm thẳm và cảm thấy cuộc đời ta bé nhỏ, lênh đênh và trôi dạt nhất, là lúc chiều xuống chạng vạng, chỉ mình ta với biển:
"Chiều
Vàng vương gót mỏi
Ta dừng chân phiêu du
Lặng nghe sóng gọi ngọt ngào
Hàng dừa nghiêng bóng ru nhau
Thì thầm lời âu yếm..."
Có khi nào bạn rảo bước một mình với đôi bàn chân mấp mé những con sóng xô bờ mát lạnh trên bãi biển chiều chạng vạng? Biển cả đẹp vô ngần với ngàn con sóng bạc đầu. Cái mênh mông vô cùng tận ấy chợt làm cho bạn cảm giác mình bé nhỏ, mong manh. Hoài công tìm kiếm, vun vén, mưu cầu rồi cũng chỉ là dã tràng xe cát.
Cảm thức ấy theo tôi chỉ là cái tự nhiên khi ta đối diện trước thiên nhiên rộng lớn, khiến cho ta cảm thấy niềm hạnh phúc cùng tình yêu mà ta nắm giữ quá bé nhỏ và hữu hạn, chứ không hẳn là sự bi quan. Vì thế khi nghe Kiếp dã tràng, nỗi buồn của bài hát chỉ là một con sóng nhỏ bé đã hòa tan vào cái mênh mông rộng lớn của biển cả. Ta tan chảy theo dòng giai điệu và hòa âm tuyệt đẹp của bài hát mà quên đi "cuộc tình nhòa trên cát".
Vì thế mà dù ca từ có mang đậm phong cách dòng trữ tình hậu tiền chiến, ở đó nội dung thường là những cuộc tình đôi lứa vô vọng, thì Kiếp dã tràng vẫn là một nỗi buồn đẹp, nó khiến ta phải mê đắm bức tranh biển cả hơn là tuyệt vọng về một mối tình, vì đó chỉ là sự “u mê ngàn đời” trong những “cơn lốc trùng dương khép kín” của kiếp người:
“Thời gian như ngừng trôi giữa chiều tàn tạ
Thầm gọi tên người đã vắng xa phương trời
Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người
Vào trùng dương khép kín u mê ngàn đời…”
Tuy rằng Kiếp dã tràng ẩn chứa một cảm giác những nối tiếp hòa âm rất đẹp, nhưng nó không phải là một bài toán dễ dàng cho người hòa âm phối khí, và cả cho người hát. Vì nó khá dàn trải, lúc tái hiện phiên khúc thì lặp lại đầy đủ không rút gọn như thường thấy, dễ khiến cho bản phối lê thê, người hát dễ nhàm chán. Rõ nhất là từ khi bài hát ra đời cho đến nay, chưa thấy một bản phối nào cho Kiếp dã tràng mà tôi cảm thấy thích và đúng với vẻ đẹp biển cả rất “trùng dương” của nó, ngoại trừ bản phối của Duy Cường trong album Tâm sự gởi về đâu của Tuấn Ngọc. Về mặt hòa âm, Duy Cường “cảm” đúng gần hết những ẩn chứa bên trong của Kiếp dã tràng, và tái tạo rất tốt bức tranh này. Giọng hát Tuấn Ngọc cũng thế, ông “vào vai” khá gần với kẻ đã lang thang trong “chiều vàng vương gót mỏi, ta dừng chân phiêu du”. Phải là một người đàn ông từng trải, tĩnh tại và khoan thai, bình thản mới đúng với bài hát này.
Với người hòa âm phối khí, nếu cố gắng áp đặt đánh lừa kiểu một đoạn dạo đầu lạ hoắc lạ huơ rồi cho rớt vào Kiếp dã tràng, tôi e rằng sẽ thất bại ê chề. Vì vẻ đẹp của bài hát sẽ “giết chết” những kẻ nào dám đùa giỡn và tự tin thái quá rằng khả năng hòa âm của mình có thể “áp chế” bài hát. Chỉ có thể là nét đẹp thánh thiện của hòa thanh cổ điển, hoặc một chút jazz mới thích hợp với bài hát này mà thôi!
“Thân mang kiếp dã tràng, đem đời se tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp sóng xô lên
Đời mình niềm cay đắng”
Vâng! Tất cả đều đang ở trên một bãi cát vàng hão huyền. Nhưng chúng ta chỉ còn mỗi một con đường là hãy cứ “se tơ duyên”. Vì có thể tình yêu là cứu cánh duy nhất giúp ta thoát khỏi cái “trùng dương khép kín u mê ngàn đời”, chứ không phải sự hoài công tìm kiếm, mưu cầu trong vô vọng như dã tràng se cát.
Tình yêu ấy chính là biển cả mênh mông, rộng lớn và vô cùng tận ngoài kia.
Bình luận (0)