Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'

28/05/2024 07:30 GMT+7

Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát để phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, các đồn biên phòng tại tỉnh Kon Tum đã đồng hành cùng người dân xóa bỏ nhiều hủ tục, đặc biệt là trong cuộc chiến với "ma rừng".

Tiêu diệt "con ma rừng"

Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (xã Bờ Y, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) được thành lập sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975). Những ngày đầu mới thành lập, cán bộ, chiến sĩ của đồn vừa tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, ngăn chặn vượt biên trái phép, vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa mù chữ, xóa bỏ hủ tục

"Cuối những năm 1990, mình về Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y công tác, nơi đây còn là một vùng đất hoang vu. Anh em trong đồn ngoài thời gian tuần tra còn phải xuống các bản, làng giúp người dân cày cấy, trồng trọt. Đến tối, mỗi chiến sĩ biên phòng đều trở thành thầy giáo tham gia công tác xóa mù chữ. Buổi học diễn ra từ 19 - 21 giờ 30 hằng đêm. Dạy xong, anh em đội đèn đi từ nhà rông về đồn. Ròng rã mấy năm trời như vậy, đến đầu những năm 2000, người dân bản địa ở xã Bờ Y mới cơ bản được xóa mù chữ", thượng tá Hoàng Xuân Hân, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nhớ lại.

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 1.

Từ công tác vận động, tuyên truyền của bộ đội biên phòng, hủ tục “cái chết xấu” tại xã Rờ Kơi được xóa bỏ

Đức Nhật

Trong thời gian các chiến sĩ biên phòng bám bản gieo chữ, người dân bản địa rất mê tín, luôn tin rằng bệnh tật là do "con ma rừng" gây ra. Mỗi khi có người đau ốm, dân làng lại đi mời thầy cúng về nhà. Dù đã có trạm xá nhưng dân làng không đến khám chữa bệnh mà chỉ tin vào các thầy cúng.

Khi thầy cúng được mời đến, cây nêu được dựng lên. Người nhà dắt trâu to, lợn béo buộc dưới cây nêu. Sau bài khấn của thầy cúng, trâu, lợn bị đem ra làm thịt, cúng tế để "con ma rừng" không bắt tội. Đối với những hộ dư giả, việc mổ trâu, mổ lợn chẳng phải vấn đề lớn, nhưng với hộ nghèo, không có tiền phải đi vay mượn để mua đồ cúng, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Không để người dân cứ mãi sống trong hủ tục, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã cử cán bộ đến tuyên truyền, thuyết phục ở từng làng, bản.

Bà Y Pan, già làng Đăk Mế (xã Bờ Y) kể rằng những ngày đầu chẳng có mấy người chịu nghe bộ đội biên phòng. Người dân bị trói buộc bởi luật tục quá lâu thì làm sao chấp nhận những lý lẽ mới mà bộ đội tuyên truyền. Để có được lòng tin của bà con, đồn biên phòng liên tục cử cán bộ quân y đến từng nhà chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người bị ốm. Đối với những người bị bệnh nặng, cán bộ quân y thuyết phục họ đến trạm y tế xã hoặc đưa xuống bệnh viện cứu chữa.

Để chứng minh "con ma rừng" không tồn tại, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tiếp cận già làng, trưởng bản, kể những trường hợp thầy cúng chữa mãi không khỏi, còn những người được cán bộ quân y khám chữa bệnh đều mạnh khỏe trở lại. Khi những người có uy tín hiểu được, họ đã đồng lòng cùng với bộ đội biên phòng đi giải thích từng nhà, vận động từng ngày để khi có người bệnh thì đưa đến trạm xá, bệnh viện. Khi dân làng tin vào bộ đội cũng là lúc "con ma rừng" bị tiêu diệt.

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 2.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y trao đổi với già làng, trưởng bản, người có uy tín để phối hợp tuyên truyền, vận động người dân

Đức Nhật

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 3.

Bà Y Pan, già làng Đăk Mế, kể lại “cuộc chiến” của bộ đội biên phòng xóa bỏ "con ma rừng"

Đức Nhật

Theo già Y Pan, cùng với chính quyền địa phương, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã giúp người dân xóa mù chữ, xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo.

"Nhờ các cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên phòng và chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ mà cả làng này biết chữ, được khám - chữa bệnh miễn phí và không còn tin có "ma rừng". Đến nay, làng mình đã có 1 nữ đại biểu Quốc hội, 1 nữ đại biểu HĐND tỉnh và rất nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh. Kinh tế tại địa phương cũng từng bước phát triển", già Y Pan nói.

Xóa bỏ "cái chết xấu"

Nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Rờ Kơi đã áp dụng nhiều phương pháp, cách làm hữu hiệu, giúp người dân xã biên giới Rờ Kơi (H.Sa Thầy, Kon Tum) xóa bỏ hủ tục, trong đó có "cái chết xấu".

Theo thiếu tá Bloong Buông, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Rờ Kơi, khoảng cách từ đồn đến xã Rờ Kơi hơn 80 km. Nối đồn với xã là con đường đất gập ghềnh len lỏi giữa những cánh rừng bạt ngàn. Vào mùa mưa, đường lầy lội, cây cối, đất đá đổ ngổn ngang khiến việc đi lại càng khó khăn. Nhiệm vụ vận động, tuyên truyền người dân của cán bộ, chiến sĩ gặp không ít rào cản.

Thiếu tá Buông kể, trước đây người dân xã Rờ Kơi lưu truyền nhiều hủ tục. Theo đó, những người lên rừng bị ong đốt, rắn cắn chẳng may tử vong sẽ được xem là những "cái chết xấu". Người dân quan niệm rằng những người gặp nạn đã bị "con ma rừng" hãm hại. Nếu đưa họ về nhà để tổ chức ma chay thì "con ma rừng" cũng theo đó xâm nhập và hãm hại dân làng. Bởi vậy, những người chẳng may tử nạn ở bên ngoài sẽ không được đưa về làng. Thân nhân, gia đình người xấu số phải tổ chức ma chay ngoài phạm vi của làng.

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 4.

Những cây nêu không còn để cúng tế "ma rừng" mà chỉ xuất hiện trong các lễ hội truyền thống

Đức Nhật

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 5.

Bộ đội biên phòng khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân

Đức Nhật

Biên cương hữu nghị: Lính quân hàm xanh trong cuộc chiến xóa 'ma rừng'- Ảnh 6.

Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục

Đức Nhật

Nhiều năm trước, tại làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi) có người bị tai nạn giao thông khi đang trên đường lên huyện, sau đó tử vong. Nạn nhân được bàn giao cho gia đình đưa về mai táng. Nhưng khi về đến nơi, người dân nhất quyết bắt gia đình phải tổ chức ma chay ở ngoài làng. Nắm được thông tin, Đồn biên phòng Rờ Kơi liền cử cán bộ, chiến sĩ xuống tận nơi vận động người dân để người xấu số được tổ chức ma chay trong làng.

"Ban đầu, người dân phản ứng khá gay gắt. Nhưng sau đó, bằng phương pháp tuyên truyền mềm mỏng, các cán bộ, chiến sĩ đã thuyết phục được già làng, người có uy tín. Sau vài giờ đồng hồ tuyên truyền, thuyết phục, người dân cũng chấp nhận để người xấu số được vào làng. Cũng bắt đầu từ đây, Đồn biên phòng Rờ Kơi lựa chọn Rờ Kơi làm làng điểm để thực hiện phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục", thiếu tá Buông kể.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng" (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương - chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng, làng Rờ Kơi từng bước chuyển mình, các hủ tục được xóa bỏ, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế của người dân được nâng lên. 

Theo UBND xã Rờ Kơi, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đồn biên phòng đã góp phần to lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trong những năm gần đây. Năm 2023, tổng số hộ nghèo ở xã Rờ Kơi giảm còn 368 hộ (chiếm 25,5%); hộ cận nghèo giảm còn 202 hộ (chiếm 13,9%); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người/năm.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.