|
Nhà gươl trong đời sống văn hóa, tâm linh của người C’Tu đóng vai trò hết sức quan trọng. Lúc lập làng, sau khi đã chọn mảnh đất ưng bụng, những người già uy tín trong làng quần tụ để họp bàn chọn vị trí dựng gươl. Thường thì nhà gươl được dựng ngay giữa làng, xung quanh là những nhà sàn người dân sinh sống. Không những nằm ở vị trí trung tâm của làng để mọi người dễ lui tới, gươl còn là nơi diễn ra những hoạt động trọng đại như: hội đồng già làng họp bàn công việc, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa…
Nhạt phai “trái tim” làng
Thế nhưng, nhà gươl ngày càng biến dạng nặng nề, thậm chí có sự “lai căng” nguy hại. Điều này biểu hiện rõ ở những nhà làng tại 3 huyện miền núi: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.
|
Tại H.Đông Giang - nơi tập trung khá đông người C’Tu vùng trung (C’Tu Phương) và người C’Tu vùng thấp (C’Tu Đ’riu) sinh sống, có nhiều nhà làng đang bị biến dạng theo kiểu vừa “cổ” vừa “kim”. Theo ông Bh’ríu Long - Trưởng phòng VH-TT H.Đông Giang, căn nhà này được dựng lên với 16 cây cột gỗ, đường kính khoảng 0,4 m. Bên trong căn nhà còn có một cột “đực” đường kính gần 0,6 m, cao hơn 10 m. Trên những tấm ván thưng và trên cả cây cột “đực”, các nghệ nhân điêu khắc người C’Tu tạc những hình thù sinh hoạt tín ngưỡng cũng như những tập tục, con vật thiêng hết sức sống động. Thế nhưng tính chân xác đã không được người làng Tống Cói gìn giữ, thay vì lợp nhà bằng lá thì ngôi nhà lại được lợp bằng mái tôn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa C’Tu Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam), đây là loại biến dạng “bắt buộc”. “Bởi không còn cách nào khác. Ngày nay tìm lá cọ, lá tranh đâu dễ. Mà không có lá rừng thì họ phải dùng tôn để lợp thôi”, ông Hùng nói.
Tại H.Tây Giang - nơi được cho là có nhiều nhà gươl đúng bản sắc cũng xảy ra tình trạng biến dạng dù chỉ dừng lại ở mức độ có thể “chấp nhận được”. Người C’Tu vùng cao (C’Tu Nal) đã xây dựng được khoảng 70 nhà gươl. Đa số nhà làng tại các thôn đều còn giữ được tính chân xác nhưng một số nhà lại bị “thêm thắt” những chi tiết không đáng có. Cụ thể, ngôi nhà gươl ở khu nhà truyền thống tại trung tâm H.Tây Giang có những bậc thang được đúc bằng bê tông rất thô thay vì bằng gỗ. Ngoài kiểu biến dạng về kiến trúc, loại biến dạng về vật liệu trang trí cũng khiến ông Hùng không khỏi lo lắng: “Ngày trước, người C’Tu thường sử dụng cây rừng, củ rừng để pha màu tô lên các bức phù điêu nhưng bây giờ họ lại dùng sơn quét lên. Không những thế, nhiều nhà làng cũng đang bị biến dạng về mặt kết cấu. Cấu kiện phải buộc bằng dây mây mà người ta đem đinh để đóng là hỏng rồi”.
Thích gì khắc nấy
Theo ông Nguyễn Tri Hùng, đây là loại biến dạng nguy hại nhất trong số các loại biến dạng nhà gươl của người C’Tu. Ông Hùng kể nhà gươl tại làng Bhôồng (xã Sông Kôn, H.Đông Giang) biến dạng do người làng thuê thợ dưới xuôi lên để điêu khắc, trang trí. Cái cần giữ nhất là những nét tạc thô mộc, những nét tạc hoang sơ vốn có trên mỗi bức phù điêu họ đều bỏ đi. Trước đây, hình người được tạc có đôi mắt như trái trám thì nay họ tạc đôi mắt như người thật, có cả lông mày… “Có lần, tôi vào một nhà gươl tại H.Nam Giang và rất ngạc nhiên khi thấy trên bức phù điêu có hình chai rượu. Hỏi ra mới biết là do họ… thích nên đưa vào chứ không vì nguyên nhân gì khác”, ông Hùng chua xót.
Cũng theo ông Hùng, nhiều nhà gươl ngày nay còn đưa hình tượng hiện đại vào các bức điêu khắc trông rất “phô”. Trong đời sống văn hóa và tâm linh của người C’Tu không có hình con rồng (trong ngôn ngữ của họ cũng không hề có từ này). Tuy nhiên, thực tế hiện khá nhiều nhà gươl của người C’Tu lại đem hình ảnh này vào. Ngoài ra, nhiều nhà gươl cũng bị biến dạng về chức năng sử dụng, yếu tố cộng đồng trong mỗi căn nhà cũng nhạt dần. Các nhà làng chỉ còn là nơi để tổ chức lễ hội, múa hát… mà không còn là nơi sinh hoạt chung của cả làng vào mỗi đêm như ngày xưa.
“Đã làm thì phải đúng nguyên bản” Ông Palăng Bưng, Phó phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết sự biến dạng về kiến trúc nhà gươl chủ yếu tập trung ở cộng đồng người C’Tu vùng trung và vùng thấp do nguyên vật liệu ngày càng khó kiếm. Theo ông Bưng, đó là sự biến dạng bất khả kháng nhưng nếu ai cũng làm nhà làng bằng bê tông thì sẽ mất dần bản sắc văn hóa. “Nên đã không làm thì thôi, đã làm thì phải đúng nguyên bản. Để làm được điều này, nhà nước nên tạo điều kiện cho những làng có ý định làm gươl có thể vào rừng kiếm vật liệu xây dựng”, ông Bưng chia sẻ. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng lại cho rằng để nhà gươl không bị biến dạng thêm nữa, ngành chức năng cần vào cuộc nghiên cứu, đề ra một quy chuẩn về giá trị ở các mặt như: kiến trúc, điêu khắc, trang trí… của gươl truyền thống. “Theo đó, mỗi lần dựng nhà làng, người C’Tu cứ duy trì theo để bảo tồn văn hóa. Gươl là một thiết chế văn hóa nên người làm gươl phải tuân theo giá trị truyền thống”, ông Hùng nói thêm. |
Hoàng Sơn
>> Biến dạng di tích - Kỳ 6: Vàng giả phủ lên vàng thiệt
>> Biến dạng di tích - Kỳ 5: Còn đâu chiến lũy Pháo Đài xưa
>> Biến dạng di tích phố cổ Hội An
>> Thi chụp ảnh chủ đề Nước biển dâng
>> Đừng làm biến dạng âm nhạc dân tộc
>> Biến dạng di tích - Kỳ 2: Cắt khúc lăng Hoàng Gia
>> “Của quý” biến dạng vì bơm silicon
>> Công viên biến dạng
Bình luận (0)