Như một giấy phép con ?
Cụ thể, các điểm mua sắm tuân thủ các quy định minh bạch về nguồn gốc, chất lượng, giá cả... đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về kinh doanh du lịch do Tổng cục Du lịch đưa ra sẽ được gắn biển đạt chuẩn. Hằng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm thông qua đánh giá và khiếu nại của khách, không để biến thành các cơ sở khép kín cho người nước ngoài. Cũng theo nguồn tin từ Tổng cục Du lịch, việc kiểm tra giám sát và cấp biển xác nhận đạt chuẩn sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện của các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi điểm mua sắm đạt chuẩn.
Trả lời Thanh Niên, bà Việt Hương, Giám đốc tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, cho rằng biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho các trung tâm mua sắm như một loại giấy phép con bên cạnh giấy phép kinh doanh đã có, chỉ làm tăng thêm thủ tục mà không giải quyết được cơ bản vấn đề. Bà Việt Hương phân tích: “Khi bất kỳ một DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn hay trung tâm mua sắm nào bước vào hoạt động, họ đều phải đáp ứng một số quy định - quy chuẩn cụ thể để được cấp giấy phép kinh doanh. Riêng với các trung tâm mua sắm, phải đảm bảo nguồn hàng hóa đạt chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, nhân viên giỏi nghiệp vụ, phục vụ chuyên nghiệp, mặt bằng thoáng đãng... Có thể nói, giấy phép kinh doanh thực chất là một tấm vé thông hành. Khi đã được cấp phép, họ có quyền và nghĩa vụ kinh doanh theo đúng quy định của nhà nước. Chính vì thế, có giấy phép kinh doanh nghĩa là cơ sở đã đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà nước. Thêm tấm biển đạt chuẩn là vô nghĩa”.
|
Đồng tình với 2 ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tour, lo ngại việc này tạo thêm thủ tục hành chính, có thể dẫn đến nhiều tiêu cực trong quản lý. Rất dễ xảy ra tình trạng các cơ sở kinh doanh, buôn bán không đủ tiêu chuẩn tìm cách luồn lách, lót tay để có được tấm biển đạt chuẩn. Trong khi các cơ sở, điểm đến đã nổi tiếng rồi xin xét biển đạt chuẩn lại bị kiểm soát, hoạnh họe. “Trước đây, sở du lịch nhiều tỉnh thành đã triển khai chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Từ đó có thể thấy, gắn một tấm biển không thể thay đổi cục diện, quan trọng là cách làm, cách quản lý của các cấp chính quyền. Chỉ có tấm biển không thì hoàn toàn vô nghĩa”, ông Mỹ nói thẳng.
Phải giải quyết từ gốc
Các chuyên gia cho rằng muốn ngăn chặn “tour 0 đồng”, phải phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng nổ tour giá rẻ đang gây thất thu nặng nề cho ngành du lịch VN. Trực tiếp kinh doanh trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định điểm mấu chốt là do quản lý còn quá lỏng lẻo.
“DN lữ hành VN đưa đoàn đến bất cứ điểm đến nào cũng sẽ nhận được phần trăm hoa hồng. Trong khi tại Thái Lan, Hàn Quốc có quy định rất chặt chẽ về khoản này. Hoa hồng cho công ty, cho hướng dẫn viên và nhà xe được trích theo doanh số, được quy định thống nhất chứ không khoán đại, may rủi và trả trước như ở VN. Đó là chưa kể việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các điểm đến để giành giật khách thông qua việc tiền lót tay lên cao nên không thể đảm bảo chất lượng. Các nước họ làm khác. Giá cao nhưng chất lượng tốt và đồng đều. Từng đoàn, khi vào điểm mua sắm đều có thẻ đeo riêng để tính doanh số. Việc tổ chức được thực hiện chuyên nghiệp. Còn VN, việc khách mua bao nhiêu, mua như thế nào, trả bằng tiền gì, nhà nước cũng không quản lý được. Như vậy tránh sao khỏi thất thu”, ông Mỹ ngao ngán và đề nghị xử lý thật mạnh tay, có biện pháp chế tài chặt chẽ đối với các cá nhân, DN vi phạm.
Ông nhận xét thêm: “Tour 0 đồng sẽ không thể tổ chức nếu không được tiếp tay và giúp sức bởi “nội tuyến” là các công ty và cán bộ quản lý sở tại. Phải giải quyết từ gốc là các DN. Đối với DN lữ hành Trung Quốc, phát hiện trường hợp vi phạm quy định du lịch nước ta, phải cấm không cho phép qua VN hoạt động, báo với chính phủ Trung Quốc để họ có biện pháp xử lý vì ngay bản thân chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách chấn chỉnh hoạt động du lịch này”.
Vì thế, ông Mỹ đề xuất: “Phải tước giấy phép đối với DN, hướng dẫn viên đồng phạm trong tổ chức “tour 0 đồng”. Các cơ sở buôn bán du lịch phải niêm yết giá, minh bạch hoa hồng. Cùng với đó, phải siết chặt quản lý, nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ DN Việt, giải quyết các vấn đề như thiếu hụt nhân lực tiếng Trung, đảm bảo môi trường du lịch trong nước đủ mạnh để không cho phép DN nước ngoài có cơ hội lấn sân”.
Ông Từ Quý Thành cho rằng thay vì xét cấp biển đạt chuẩn, Tổng cục Du lịch nên siết chặt thanh tra quản lý những điểm kinh doanh, buôn bán hàng hóa, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, đầu vào, đầu ra của khách, thường xuyên kiểm tra, thậm chí có thể cử người trực tiếp kiểm soát hoạt động mua bán kinh doanh của các cơ sở chuyên phục vụ khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. “Quản lý các điểm mua sắm, ăn chơi nhưng cũng cần kiểm soát cả các tour thăm vịnh, đảo vì khách đi những tour này phải trả chi phí tàu, thuyền... mà khoản này gần như vẫn chưa được theo dõi và quản lý triệt để”, ông Thành lưu ý.
Bình luận (0)