Biển Đông trên bàn nghị sự Mỹ - Trung

26/09/2015 08:24 GMT+7

Dù đạt một số kết quả, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa tạo được đột phá cho những vấn đề còn bất đồng giữa 2 nước.

Dù đạt một số kết quả, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa tạo được đột phá cho những vấn đề còn bất đồng giữa 2 nước.

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 25.9 - Ảnh: ReutersTổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 25.9 - Ảnh: Reuters
Vào 9 giờ sáng 25.9 (tức 20 giờ cùng ngày, giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama có buổi tiếp long trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng.
Sau lễ đón, 2 nhà lãnh đạo có 2 cuộc hội đàm liên tiếp bao gồm 1 cuộc họp kín trong Phòng Bầu dục và một cuộc thảo luận mở rộng. Trong cuộc họp báo chung vào rạng sáng 26.9 (giờ VN) được truyền trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập cho biết 2 ông đã có cuộc đối thoại “rất hữu ích và xây dựng” về hàng loạt vấn đề, bao gồm cả những lĩnh vực còn bất đồng giữa 2 nước.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ dẫn lời giới quan sát nhận định điểm hữu ích ở đây là hai bên có thể mang các vấn đề nói trên lên bàn nghị sự còn kết quả, theo các phát biểu trong cuộc họp báo, phần lớn là những nhất trí chung chung về mặt nguyên tắc hoặc tiếp tục thúc đẩy thảo luận và làm việc cùng nhau “để hiểu nhau hơn, tiếp tục hợp tác phát triển và tránh tính toán sai lầm”. Những thỏa thuận cụ thể mà 2 nhà lãnh đạo thông báo sau hội đàm là cam kết về các biện pháp giảm khí thải và tăng cường giao lưu nhân dân thông qua du lịch và giáo dục.
Tổng thống Obama cho biết ông đã nêu vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như quan ngại của Mỹ về những hành động xây đắp đảo nhân tạo và công trình có thể gây thêm khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Ông cũng tái khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển và tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay vào những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Đáp lại, Chủ tịch Tập nói tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc “là hợp pháp”. Ông tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các bên khác một cách hòa bình cũng như bảo vệ tự do hàng hải, hàng không; nhưng tiếp tục bảo vệ các hành động xây đắp trên Biển Đông của nước này “là không nhằm vào nước nào”.
Về an ninh mạng, một vấn đề gai góc khác giữa 2 nước, Tổng thống Obama cho biết “đạt nhận thức chung” với Chủ tịch Tập về tầm quan trọng của việc chống lại gián điệp mạng và tấn công tin tặc nhằm vào các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhưng ông cũng khẳng định là “còn rất nhiều việc phải làm”. Ông Tập nhất trí với nhận thức chung nói trên nhưng tuyên bố: “Vấn đề an ninh mạng không nên bị chính trị hóa”. Tương tự, 2 nhà lãnh đạo cho biết đã thảo luận về vấn đề nhân quyền và mỗi bên tiếp tục nêu ra quan điểm riêng của mình.
Sau cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama tổ chức quốc yến thiết đãi Chủ tịch Tập; và tại buổi tiệc, 2 nhà lãnh đạo tiếp tục trao đổi một số vấn đề, theo AFP.
Giáo hoàng kêu gọi Mỹ mở lòng với người nhập cư
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 24.9 (giờ địa phương), Giáo hoàng Francis kêu gọi nước này cởi mở hơn nữa với người nhập cư. “Tôi nói điều này với tư cách là con của người di cư và biết rằng nhiều người trong số các vị cũng có nguồn gốc từ các gia đình nhập cư... Xây dựng một quốc gia đòi hỏi chúng ta phải nhận ra rằng con người luôn liên đới với nhau và cần loại bỏ tư duy thù địch”, Reuters dẫn lời Giáo hoàng Francis nhấn mạnh trước các nghị sĩ Mỹ.
Lời kêu gọi này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ trong bối cảnh vấn đề nhập cư đang khuấy động tranh luận trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông còn kêu gọi loại bỏ hình phạt tử hình, ủng hộ một nền kinh tế công bằng hơn để xóa nghèo đồng thời tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Những nội dung trên tiếp tục được Giáo hoàng Francis đề cập trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 25.9. Trong đó, ông đặc biệt kêu gọi thế giới nỗ lực cải cách hệ thống kinh tế mà theo Giáo hoàng là “mang tính bất bình đẳng, bóc lột, gây ra phân biệt và phụ thuộc”.
Cũng trong ngày 25.9, Chủ tịch Raul Castro lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ trong vòng 15 năm qua khi ông đến New York để tham dự kỳ họp Đại hội đồng và Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, theo AFP.
Trung Quốc “xây xong” đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập
Theo chuyên san IHS Jane's Defence Weekly (Mỹ) ngày 25.9, hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 20.9 cho thấy Trung Quốc đã xây xong và sắp đưa vào sử dụng đường băng phi pháp trên Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Đường băng này dài 3.125 m mà theo giới chuyên gia là có thể cho tất cả các loại chiến đấu cơ hoạt động. IHS Jane's Defence Weekly dẫn lời giới quan sát dự đoán sau khi hoàn tất đường băng, Trung Quốc sẽ tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhanh chóng bắt đầu tuần tra không phận Trường Sa.
Hiện nay, nước này tiếp tục xây dựng phi pháp nhiều công trình, bờ đê, các con đường bê tông trên đá Chữ Thập. Hình ảnh từ vệ tinh còn cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất việc xây các đảo nhân tạo, lắp đặt thiết bị quân sự và liên lạc trên các bãi đá Tư Nghĩa, Ken Nan, Gạc Ma, Châu Viên và Gaven, theo IHS Jane's Defence Weekly, đồng thời tiếp tục nạo vét phi pháp ở đá Xu Bi và Vành Khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.