Nhóm sinh viên gồm Hồ Hoàng Bảo Như và Đặng Trương Nhân, đều đang học ngành công nghệ vật liệu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, đến nay Như và Nhân đã cho ra đời thành phẩm tấm vách ngăn nhựa được tái chế từ khẩu trang y tế (KTYT) đã qua sử dụng.
Như và Nhân bên thành phẩm tấm vách ngăn từ những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng |
Nữ Vương |
Mối nguy cho môi trường từ lượng rác khẩu trang
Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại VN, việc sử dụng khẩu trang đã trở thành thói quen và là điều bắt buộc. Sau mỗi lần sử dụng, lại vứt khẩu trang đi khiến Như và Nhân cảm thấy vừa lãng phí, vừa là tác nhân gây hại môi trường nếu lượng khẩu trang vứt đi đó không được xử lý đúng cách.
“Các phương pháp thu gom, xử lý và tái chế KTYT chưa được tuyên truyền rộng rãi nên hình thành vấn nạn vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Việc xử lý bằng các phương pháp đốt, chôn lấp làm gia tăng lượng khí thải nhà kính, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Lượng nhựa chứa trong KTYT sử dụng 1 lần khó bị phân hủy sinh học mà chỉ phân tách thành các hạt vi nhựa. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm nhựa, vi nhựa”, Như phân tích.
Để giải quyết các vấn đề trên, nhóm đã nghiên cứu hướng tới môi trường bằng việc khảo sát, đánh giá đưa ra phương pháp phù hợp cho quá trình thu gom cũng như tái chế KTYT sử dụng một lần, nhằm tạo ra sản phẩm mang tính ứng dụng và có giá trị cho cuộc sống.
Từ những chiếc khẩu trang y tế bỏ đi được “hô biến” thành các tấm vách ngăn |
Có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích
Như cho biết KTYT sau khi thu gom sẽ được tẩy rửa và khử khuẩn 15 phút bằng dung dịch cồn và sấy khô 2 giờ trong tủ sấy ở nhiệt độ 60°C để đảm bảo an toàn. Sau đó, KTYT được cắt thành vụn nhỏ bằng bàn cắt giấy và tiến hành tạo sản phẩm bằng phương pháp ép nhiệt ở các khoảng nhiệt độ và thời gian khác nhau nhằm đưa ra thông số phù hợp.
“Nhóm đã sử dụng phương pháp ép nhiệt để tái chế khẩu trang. Đây là phương pháp khá đơn giản trong quá trình tạo sản phẩm, chi phí sử dụng trang thiết bị máy móc không quá cao và thao tác đơn giản dễ thực hiện. Đối với quy mô phòng thí nghiệm thì phương pháp ép nhiệt là phương pháp phù hợp nhất. Đây cũng là tiền đề để phát triển thêm các phương pháp khác nhằm tối ưu trong quá trình sản xuất”, Như chia sẻ.
Cũng theo nhóm, một số phương pháp khác có thể hướng đến như phương pháp ép phun, ép đùn, ép định hình… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng khác nhau.
Với thành phẩm tấm nhựa PP tái chế kích thước 1 m2, dày 0,2 cm sẽ tốn 2,2 kg KTYT đã qua sử dụng, tương đương với 480 - 500 KTYT. Trên thị trường, một tấm vách ngăn nhựa được bán với giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/m2 dày 0,15 - 0,2 cm. Như thế, từ những chiếc KTYT đã qua sử dụng vốn dĩ là rác thải bị vứt đi, nếu không xử lý đúng cách còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, thì nay với nghiên cứu độc đáo của Như và Nhân, lượng rác nguy hại này đã trở thành sản phẩm hữu ích và mang lại giá trị kinh tế cao.
“Điều quan trọng của nghiên cứu là giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giảm các mầm bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Biến rác thải từ KTYT thành sản phẩm mang tính ứng dụng, giảm nguồn nguyên liệu, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, giảm chi phí xử lý rác thải, mang lại giá trị kinh tế hướng đến bền vững môi trường”, Như hạnh phúc bày tỏ.
Không chỉ tái chế khẩu trang thành tấm vách ngăn mà theo Như còn có thể tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích: “Tái chế KTYT đã qua sử dụng thành tấm vách ngăn nhằm tiếp cận đến những ứng dụng cơ bản, đơn giản, thiết thực và gần gũi với mọi người. Ứng dụng ban đầu làm tấm vách ngăn cũng là tiền đề để phát triển thêm những ứng dụng khác từ khẩu trang tái chế sau này”.
Những sản phẩm có thể tái chế từ KTYT đã qua sử dụng theo nhóm có thể là chậu cây, khung ảnh, ghế, kệ, tủ, bảng hiệu, đồ dùng gia dụng…
Một dự án ý nghĩa
Nhận xét về dự án của Như và Nhân, tiến sĩ Trần Thanh Tâm, giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, đánh giá cao vì đây là dự án ý nghĩa cho môi trường và cộng đồng. Theo tiến sĩ Tâm, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khẩu trang phát sinh một lượng rất lớn và thải ra môi trường rất nhiều. Cấu trúc của KTYT sử dụng 1 lần dạng sợi và là sợi rất nhỏ từ các lớp vải không dệt nên nếu đốt sẽ gây hiệu ứng nhà kính, còn chôn hay vứt không đúng quy định rất dễ tạo ra những hạt vi nhựa, thậm chí là nano nhựa làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
“Trước thực trạng đó, các bạn đã thu gom và tái chế thành sản phẩm thứ cấp, theo nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, tức là tái sử dụng nhưng không tiêu hao quá nhiều vật liệu, mà sản phẩm tái chế lại có giá trị kinh tế cao. Và từ rác các bạn có thể biến thành những sản phẩm có giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Hiện tại các bạn đã có quy trình công nghệ, có được các thông số rất tốt để có thể tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau chứ không chỉ là tấm vách ngăn. Chỉ có một vấn đề duy nhất và là bài toán các bạn phải giải đó là làm sao để thu gom khẩu trang đã qua sử dụng một cách hiệu quả”, tiến sĩ Tâm nhận định.
Bình luận (0)