Biên kịch, dựng phim đứng đâu trong nền điện ảnh Việt?

Ngọc An
Ngọc An
25/02/2021 06:26 GMT+7

“Nếu xem kịch bản là chốt khởi đầu trong việc hình thành một bộ phim, thì dựng phim có thể xem như là khâu cuối cùng chốt hạ”, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nhìn nhận.

“Như thế, hẳn nhiên vai trò, vị trí của các đầu việc này là cực kỳ quan trọng. Các nhà sản xuất phim chuyên nghiệp tại Việt Nam đương nhiên lại càng phải ý thức rõ về chuyện này”, ông Phước đánh giá.

Dựng phim không chỉ là cắt ghép

Với đạo diễn Lương Đình Dũng, người dựng phim không phải là người chỉ ngồi ghép các hình ảnh theo kịch bản, mà thậm chí đôi lúc còn giúp đạo diễn thay đổi cách kể câu chuyện, tăng kịch tính cho phim… “Có một người dựng phim giỏi là yếu tố cực kỳ quan trọng với thành công của một bộ phim”, ông Dũng nhận định.
Bộ phim điện ảnh đầu tay Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng ra mắt năm 2017 đã nhận hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc tế. “Đây là bộ phim độc lập có kinh phí thấp, nhưng riêng chi phí của phần dựng phim được dành ra là 300 triệu đồng”, đạo diễn cho hay. Ông cũng cho biết bộ phim hành động 578: Phát đạn của kẻ điên của mình dù chưa hoàn thành, nhưng chi phí dự kiến cho dựng phim cũng không thể dưới con số 500 triệu đồng. Ê kíp dựng phim Cha cõng con gồm 2 thành viên, một Việt Nam, một đến từ Pháp; trong khi dựng phim 578: Phát đạn của kẻ điên là nhóm gồm 4 - 5 người đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ.
“Chúng tôi rất mất công để mời được những nhà dựng phim phù hợp tham gia. Ở Việt Nam, số lượng người dựng phim tốt có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn người dựng phim uy tín tại nước ngoài thì không phải dễ mời. Với những dự án của tôi, việc dựng phim khó chỉ kéo dài trong 1 - 2 tháng, mà ít nhất phải 4 - 5 tháng”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết và nói thêm, chính vì sự quan trọng của dựng phim nên nhà sản xuất phim luôn dành một tỷ lệ lớn trong kinh phí làm phim để đầu tư vào khâu này.
Một nhà quan sát lâu năm những hoạt động của điện ảnh Việt Nam cho biết tại những phòng dựng phim có tiếng ở TP.HCM, gói dựng phim chiếu rạp thường dao động ở mức 500 triệu - 1,5 tỉ đồng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện những cảnh quay trong bộ phim hành động 578: Phát đạn của kẻ điên

Ảnh: Trần Ngọc Sơn

Phân cấp biên kịch

Về phần biên kịch, mức kinh phí cho kịch bản phim chiếu rạp thấp nhất là 100 triệu đồng với nhà biên kịch mới vào nghề, còn trung bình là 250 - 350 triệu đồng, và tới 400 - 500 triệu đồng hoặc hơn với những biên kịch tên tuổi tham gia những dự án phim ăn khách.
Kay Nguyễn, một trong những nhà biên kịch được nhiều nhà sản xuất hiện nay “săn đón”, cho biết: “Do điều khoản hợp đồng nên tôi rất khó chia sẻ về mức thù lao cụ thể. Nhưng có thể nói thế này, mức thù lao cho biên kịch khá cách biệt tùy theo trình độ, cũng như khoảng thời gian họ vào nghề… Việc này cũng giống như tại Hollywood hay nhiều nước khác”.
Theo chuyên gia Châu Quang Phước: “Trong thực tế làm nghề, đặc biệt với mảng phim điện ảnh chiếu rạp tại Việt Nam, với sự đa dạng về cấp độ làm phim liên quan kinh phí đầu tư cùng khả năng làm nghề, tất nhiên sẽ luôn có những cách thức phân cấp sai biệt với nhiều vị trí, dễ dẫn đến sai sót ngay từ chuyện “đầu tiên” của quy trình thủ tục làm nghề, đó là vấn đề thù lao chưa tương xứng hoặc thậm chí trở thành vấn nạn nghề nghiệp khi thù lao lại là nợ khó đòi, giữa những người làm phim với nhau”.
Tuy nhiên, ông Phước nhìn nhận ý kiến cho rằng mức thù lao của nhà biên kịch, dựng phim “được trả rẻ mạt, khoảng vài chục triệu, trong tổng số kinh phí làm phim vài chục tỉ đồng” và nâng lên thành vấn nạn của điện ảnh Việt Nam là không đúng. “Nếu có ý kiến cho rằng đó vốn dĩ là bình diện chung hiện nay trong ngành làm phim, nhất là với mảng phim chiếu rạp, e rằng cũng còn hơi chủ quan và phiến diện”, chuyên gia này nói, đồng thời nhận xét hiện tại phần lớn phim Việt chiếu rạp đều có mức đầu tư sản xuất với kinh phí khá lớn, so với nhiều loại hình sản phẩm văn hóa khác. “Người làm nghề nào có lẽ cũng biết rõ và như thế cũng sẽ thừa hiểu về mức thù lao mà mình sẽ phải nhận được trong từng khâu làm phim là tương xứng hoặc không trong mặt bằng chung. Nếu có vấn đề gì khuất tất với nhau ắt hẳn sẽ khó thể làm việc đường dài cùng nhau”, ông Phước nói thêm.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, mức thù lao cho nhà biên kịch và dựng phim tùy thuộc vào tổng kinh phí dành để sản xuất bộ phim. “Nếu nhà sản xuất chỉ có kinh phí 3 - 5 tỉ đồng cho 1 bộ phim, thì chi phí cho kịch bản hay dựng phim được phân bổ sẽ ít đi. Việc trả thù lao thế nào thì vô cùng, nhưng bây giờ không phải là nhà dựng phim hay nhà biên kịch không biết được vị trí và cả mức thù lao họ đáng được nhận. Phim thị trường hiện nay đều theo kiểu “thuận mua vừa bán”, chứ không có chuyện dễ dàng nhà biên kịch, dựng phim chấp nhận trả thù lao giá rẻ”, đạo diễn này khẳng định.
Chỉ có một điều ông Dũng còn băn khoăn là trong khi công việc của người dựng phim có vị trí quan trọng trong khâu sản xuất một bộ phim điện ảnh, ngay như giải thưởng Oscar cũng đã có hạng mục trao giải cho người dựng phim xuất sắc, thì hầu như những giải thưởng điện ảnh trong nước lại chưa có hạng mục này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.