Theo dự thảo (áp dụng cho sách in) của Bộ GD-ĐT, sách giáo khoa được định nghĩa là xuất bản phẩm đặc biệt, được quy định tại luật Giáo dục năm 2019.
Sách giáo khoa cụ thể hóa yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, sách giáo khoa là sách định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Việc biên soạn sách giáo khoa cũng được xã hội hóa và việc xuất bản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học, bao gồm: nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục...
Là người chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định.
Trong khi đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Về nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa, dự thảo yêu cầu phải cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; phải bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục; gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.
Dự thảo cũng nêu rõ, bìa sách phải được trình bày theo thứ tự từ trên xuống các thông tin gồm tên tác giả. Nếu tác giả là cá nhân thì ghi họ tên, có thể ghi thêm học hàm, học vị nếu có. Nếu tác giả là tập thể thì phải ghi thêm tên người chủ biên. Tiếp theo, là tên sách và dưới tên sách ghi thêm tên lớp hoặc cấp học.
Cũng trên bìa sách, tên nhà xuất bản và logo, tên đối tác liên kết do các bên tự thỏa thuận quyết định. Tuy nhiên, logo, tên đối tác liên kết không được để trên và có kích thước lớn hơn, số lượng nhiều hơn logo, tên của nhà xuất bản.
Các trang bìa 2, 3, 4 phải bao gồm thông tin giới thiệu tác giả, tác phẩm, sách của nhà xuất bản (nếu có). Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) ghi ở góc bên trái, phía dưới bìa 4, giá bán sách ghi ở góc bên phải, phía dưới bìa 4.
Cách trình bày minh họa, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, tranh, ảnh trong sách giáo khoa có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào trong trang chữ, nhưng phải được chú thích với nội dung phù hợp ở từng phần, chương và mục.
Còn kích thước khổ sách giáo khoa được quy định từ 17 cm x 24 cm đến 20,5 cm x 28 cm.
Bình luận (0)